Liên minh châu Âu (EU) hôm qua chính thức khởi động các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine và Moldova. Bước đi có ý nghĩa biểu tượng cao, mang tính bước ngoặt đối với 2 quốc gia thuộc Liên bang Xô viết trước đây, song cũng được dự báo không hề dễ dàng.
Các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Ukraine đã được bắt đầu tại một hội nghị liên chính phủ ở Luxembourg. Chỉ vài giờ sau, Moldova cũng tiến hành các cuộc đàm phán về tư cách thành viên. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gửi lời chúc mừng tới Ukraine và Moldova, gọi đây là “tin tức tốt lành” đối với người dân hai nước và toàn bộ Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib nhấn mạnh những thách thức mà 2 quốc gia Đông Âu phải vượt qua để gia nhập ngôi nhà chung EU: "Tiến trình gia nhập EU sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của các nước nhằm cải cách lĩnh vực quan trọng như nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng”.
Ukraine và Moldova nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2022, ngay sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra. Liên minh châu Âu đã dành cho Ukraine sự ủng hộ rộng rãi, với các khoản hỗ trợ tài chính lên tới 100 tỷ USD. Theo Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna, đây thực sự là một cột mốc rất vững chắc cho tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong Liên minh châu Âu cũng như sự phát triển của Ukraine:
“Chỉ hai năm trước, vào ngày 23/6/2022, Liên minh Châu Âu đã nói rằng họ sẽ sát cánh cùng Ukraine. Và giờ đây, lời hứa đầu tiên đã được thực hiện. Ukraine đã bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách và đa số người dân Ukraine ủng hộ điều này. Đây là sức mạnh tinh thần mạnh mẽ giúp chúng tôi tiếp tục đứng vững”.
Tuy nhiên chặng đường phía trước đối với Ukraine và Moldova vẫn được dự báo nhiều khó khăn. Để có thể trở thành thành viên EU, quốc gia ứng viên phải vượt qua 35 chương đàm phán chi tiết về nhiều vấn đề từ kinh tế, chính trị đến tư pháp. Quá trình này dự kiến sẽ mất nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ đối với Moldova và Ukraine.
Hungary, quốc gia sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu từ tháng 7 tới, đã nhiều lần trì hoãn thông qua các vấn đề liên quan đến Ukraine, bao gồm cả viện trợ quân sự và tài chính. Trong khi đó, việc mở rộng sang phía Đông cũng khiến các quốc gia thành viên còn lại của Liên minh châu Âu không mấy dễ chịu. Nhiều khả năng cả Moldova và Ukraine sẽ là những nước nhận ròng ngân sách của Liên minh châu Âu. Điều đó khiến chi tiêu của tất cả các thành viên hiện nay của EU tăng lên, trong khi phần ngân sách chung lại giảm.
Bên cạnh đó là những tác động không mong muốn đối với ngành công nghiệp và làm dịch chuyển cán cân quyền lực trong EU về phía Đông. Một số quốc gia thành viên EU có thể làm chậm hoặc thậm chí cản trở quá trình trừ khi có một số đảm bảo nhất định đối với vị trí đặc quyền của những nước này trong khối.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...