Sâu bột được xem là giải pháp tiềm năng trong giải quyết rác thải nhựa.
Loài sâu này có thể hấp thụ được nhiều loại nhựa khác nhau, chính vì vậy còn được gọi là sâu ăn nhựa. Thế nhưng tác dụng của nó không dừng lại ở đó.
Sâu bột còn có thể được sử dụng trong thiết kế nội thất để tạo ra những sản phẩm vừa có vẻ ngoài độc đáo vừa bảo vệ môi trường.
Một chiếc ghế đẩu 3 chân với vẻ ngoài hơi rỗ được tạo ra bằng cách tái chế polysterene, hay còn gọi là nhựa PS. Đây là một loại nhựa dẻo khó phân hủy mà ta thường bắt gặp trong cuộc sống thường ngày dưới hình dạng chiếc cốc nhựa hay hộp xốp đựng đồ ăn dùng một lần. Nhưng nếu chỉ tái chế, mọi việc đã rất đơn giản. Một công ty thiết kế của Anh đã sử dụng một trợ thủ đặc biệt là sâu ăn nhựa, hay còn gọi là sâu bột, để có những thiết kế độc đáo.
Ông William Eliot, một nhà thiết kế, cho biết: "Nhựa PS chiếm khoảng 30% công suất bãi chôn lấp rác trên toàn cầu. Ở châu Âu, chỉ có một số ít quốc gia có thể tái chế nó. Vậy nên các bãi rác ngày càng quá tải nhựa PS và phải mất hàng thập kỷ, thập chí hàng thế kỷ nó mới có thể phân hủy được. Điều thú vị ở sâu bột là trong dạ dày của chúng có một loại vi khuẩn có thể phân hủy loại nhựa này".
Quá trình sáng tạo bắt đầu bằng việc tiêm đường lên khối thiết kế. Bị thu hút bởi đường, sâu bột sẽ ăn nhựa theo lộ trình đã được vạch sẵn. Chúng ăn đến đâu sẽ để lại vết tích đến đó, như những chỗ rỗ trong chiếc ghế thành phẩm sau này. Sau khi sâu bột ăn xong, sản phẩm thu được sẽ được đúc bằng sáp, quét 3D và tăng độ phân giải để xác định thiết kế khả thi nhất.
Ông William Eliot chia sẻ: "Tôi thích ý tưởng tạo ra những món đồ nội thất do sâu bột thiết kế. Tôi biết khá nhiều người sợ côn trùng nhưng nếu nhìn những món đồ do chúng thiết kế, có thể họ sẽ phải thay đổi ý kiến".
Đây được xem là lối thiết kế khá sáng tạo khi sử dụng sâu bột để tạo đặc trưng riêng, đồng thời tạo cảm hứng cho công việc tái chế. Các sản phẩm tái chế cũng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật nhờ loài sâu ăn nhựa này.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...