Việc phát hiện ra carbon trong một thiên hà trẻ ra đời chỉ vài trăm triệu năm sau vụ nổ Big Bang cho thấy có lẽ sự sống xuất hiện sớm hơn nhiều so với dự đoán và nó đã phát triển một cách rất khác so với trên Trái Đất.
Thành phần quan trọng cho sự sống
Sự sống có thể hình thành trong vũ trụ sớm như thế nào? Trái Đất khoảng 4,5 tỷ năm tuổi, nên liệu đây có phải là thời gian để các thành phần và điều kiện cần thiết cho sự sống được hình thành trong vũ trụ?
Kính Thiên văn James Webb đã phát hiện ra carbon - thành phần quan trọng cho sự sống, trong một thiên hà ra đời chỉ 350 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Một đội ngũ các nhà thiên văn học quốc tế do Đại học Cambridge ở Anh dẫn đầu đã quan sát được một thiên hà trẻ trong vũ trụ thuở sơ khai và phát hiện ra rằng nó chứa lượng carbon đáng kể.
Trong thiên văn học, kim loại được sử dụng để chỉ những nguyên tố nặng hơn hydro và heli. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều được hình thành từ các ngôi sao. Những nguyên tố tạo thành vũ trụ chúng ta chứng kiến ngày nay đều được hình thành bên trong một ngôi sao.
Những nguyên tố này được phân bố khắp vũ trụ bằng những vụ nổ gọi là vụ nổ siêu tân tinh. Điều đó đồng nghĩa với việc một ngôi sao kết thúc cuộc đời của nó trong một vụ nổ dữ dội sẽ gieo mầm cho thế hệ sao tiếp theo bằng cách phát tán các thành phần của nó trong không gian.
Qua thời gian, ngày càng nhiều kim loại được hình thành và sau hàng tỷ năm, vũ trụ có thể hình thành những hành tinh đá như Trái Đất và tạo ra sự sống.
"Bằng cách nghiên cứu cách thức và thời gian các kim loại đầu tiên được hình thành trong các ngôi sao, chúng ta có thể xác định khung thời gian cho những bước đầu tiên trên con đường dẫn tới quá trình hình thành sự sống", Tiến sĩ Francesco D’Eugenio thuộc Viện Vũ trụ học Kavli tại Đại học Cambridge cho hay.
Sự sống có thể từng xuất hiện rất sớm trong vũ trụ?
Carbon là thành phần quan trọng cho sự sống và là chìa khóa hình thành sự sống trên Trái Đất.
"Nghiên cứu trước đó cho thấy carbon đã bắt đầu hình thành với số lượng lớn tương đối trễ, khoảng 1 tỷ năm sau vụ nổ Big Bang", đồng tác giả nghiên cứu - Giáo sư Roberto Maiolino cũng thuộc Viện Kavli cho hay.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra rằng carbon được hình thành sớm hơn nhiều. Nó thậm chí có thể là kim loại lâu đời nhất".
Bằng cách nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ, các nhà thiên văn học có thể quay ngược thời gian về quá khứ bởi vì mất hàng triệu hoặc hàng tỷ năm để ánh sáng từ những thiên thể xa xôi vươn tới chúng ta. Một ví dụ nữa cho điều này là việc Kính thiên văn James Webb phát hiện ra JADES-GS-z14-0, thiên hà tồn tại chỉ 290 năm sau vụ nổ Big Bang.
Đội ngũ nghiên cứu đã sử dụng James Webb để quan sát một thiên hà tồn tại cách đây 13 tỷ năm, ra đời chỉ 350 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Thiên hà này đặc và có khối lượng thấp, nhẹ hơn Dải Ngân hà 100.000 lần. Theo các nhà nghiên cứu, thiên hà này có thể phát triển thành một thiên hà khá lớn với kích cỡ tương đương Dải Ngân hà và nếu xét đến việc là một thiên hà trẻ thì nó khá nặng.
"Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy carbon xuất hiện sớm như vậy trong vũ trụ bởi người ta thường cho rằng những ngôi sao ra đời sớm nhất tạo ra nhiều oxy hơn carbon", Giáo sư Maiolino nói.
"Chúng tôi đã nghĩ rằng carbon được làm giàu muộn hơn nhiều qua các quá trình hoàn toàn khác nhưng việc nó xuất hiện sớm như vậy đã cho thấy chính những ngôi sao đầu tiên có lẽ đã vận hành một cách rất khác biệt. Những quan sát này nói với chúng tôi rằng carbon có thể được làm giàu nhanh chóng trong thời kỳ đầu của vũ trụ", Tiến sĩ D’Eugenio cho hay.
Theo nhà khoa học này: "Bởi vì carbon là thành phần căn bản của sự sống nên không hẳn là sự sống phải mãi sau này mới xuất hiện. Có lẽ sự sống xuất hiện sớm hơn nhiều, mặc dù nếu có sự sống ở những nơi khác trong vũ trụ thì có lẽ nó đã phát triển một cách rất khác so với trên Trái Đất".
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...