Trước thềm cuộc bầu cử Chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP), các ứng cử viên đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử với các hoạt động đa dạng, đa sắc. Các cương lĩnh tranh cử đều có nét riêng và tính thuyết phục cao.
Đầu giờ chiều 4/9, tại Tokyo, ông Motegi Toshimitsu – Trưởng ban cán sự LDP, đã tổ chức họp báo để chính thức tuyên bố tham gia tranh cử chức Chủ tịch LDP thay thế Thủ tướng Kishida Fumio. Tại đây, ông Motegi nêu những nét chính về cương lĩnh tranh cử của mình, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế với những trụ cột chính như: đảm bảm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng và an ninh lương thực...
Ông Motegi đưa ra một cam kết đầy táo bạo và dũng khí: “Tôi có một kế hoạch cụ thể để phục hồi và phát triển kinh tế Nhật Bản. Tôi sẽ duy trì chính sách không tăng thuế, thúc đẩy tăng nguồn thu dựa vào tăng trưởng kinh tế chứ không dựa vào việc tăng thuế. Tin tưởng rằng, quyết sách này sẽ mang lại hiệu quả cao. Nếu không có hiệu quả trong vòng 3 năm, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Trước đó, ông Hayashi Yoshimasa - đương kim Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng chính thức tuyên bố tranh cử. Trong phần giải thích chính sách của mình ông Hayashi cũng nêu bật những quyết sách hướng tới cải thiện đời sống của người dân, nâng cao năng lực mọi mặt của quốc gia... nhưng ưu tiên số một lại là vấn đề “lòng tin”.
“Hiện nay, Đảng Tự do Dân chủ đang ở trong tình trạng mất lòng tin của đảng viên và nhân dân do những vấn đề liên quan đến chi phí cho hoạt động chính trị của một số nghị sỹ. Điều này làm dư luận hoang mang, lo lắng, tôi xin được tạ lỗi với tất cả quý vị và quốc dân đồng bào. Về vấn đề này, Thủ tướng Kishida đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi sẽ noi theo tấm gương này, coi đây là bài học cảnh tỉnh, và sẽ nỗ lực để tạo dựng một nền chính trị lành mạnh, được người dân đồng cảm và ủng hộ”, ông Hayashi nói.
Trong khi đó, ông Ishiba Shigeru – Nguyên trưởng ban cán sự LDP, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng lại có một góc tiếp cận khác, hướng tới sự ủng hộ của dư luận. Cách tiếp cận này được giới quan sát đánh giá là đi vào lòng người.
“Tôi có một cảm giác rất rõ là ai ai cũng đang có một sự bất an nhất định. Ví dụ như tình trạng thiên tai chồng chất như hiện nay cũng là một tác nhân gây bất an. Những biện pháp phòng tránh thiên tai như hiện nay đã đầy đủ chưa? Vạn nhất xảy ra những trường hợp bất khả kháng, Chính phủ có bảo vệ được sinh mạng và tài sản của người dân hay không? Thêm nữa, về đời sống của người dân, mặc dù có nhiều bước hỗ trợ như tăng lương... nhưng Nhật Bản đã có một nền kinh tế đủ để người dân an tâm chi dùng hay chưa? Tất cả những vấn đề này sẽ là những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới”, ông Shigeru nói.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 11 người dự định tham gia tranh cử. Tuy nhiên, để đủ điều kiện tranh cử, mỗi ứng cử viên cần ít nhất 20 người tiến cử, trong khi số người có đủ điều kiện để tiến cử người khác chỉ có 367 người, và 1 người không có quyền giới thiệu nhiều người ứng cử. Theo đó, từ 4-12/9 – thời điểm chốt và công bố danh sách ứng cử viên, bầu cử Chủ tịch LDP sẽ nóng lên từng giờ, không chỉ về cương lĩnh tranh cử, mà cả trong cuộc chạy đua để có đủ người tiến cử. Câu hỏi ai sẽ là người thay thế ông Kishida cả ở cương vị Chủ tịch đảng cũng như cương vị Thủ tướng Chính phủ, vẫn chưa có câu trả lời.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...