Nga dường như đang xây dựng các “tháp phòng không” kiểu Thế chiến 2 để đối phó với các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine.
Tháp phòng không kiểu Thế chiến 2
Để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào bên trong lãnh thổ Nga, Moscow đã sử dụng một hệ thống có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai: các tháp phòng không.
Nga hiện đang xây dựng các tháp phòng không mà một số nhà quan sát so sánh với hệ thống tương tự mà Đức từng sử dụng trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Các tháp phòng không được gọi là “flakturme” này là những cấu trúc bê tông khổng lồ cao tới 70 mét, tương đương tòa nhà 21 tầng, được trang bị pháo phòng không để bảo vệ các thành phố của Đức khỏi máy bay ném bom của quân Đồng minh.
Các tháp đang được xây dựng bên ngoài Moscow không cao như các tòa tháp của Đức trước đây. Chúng dường như là những công trình trên cao với hệ thống phòng không di động Pantsir được đặt phía trên. Đánh giá qua các bức ảnh cho thấy một số tòa tháp dường như chỉ cao tương đương tòa nhà 3 tầng. Không có đoạn đường dốc nào xung quanh cho thấy hệ thống Pantsir có lẽ đã được đưa vào vị trí bằng cần cẩu hoặc trực thăng hạng nặng.
Một số cấu trúc khác thấp hơn, giống như những con dốc cao khoảng 6 mét.
Hệ thống Pantsir đã được triển khai trên nóc các tòa nhà chính phủ ở Moscow, nhưng các công trình mới dường như được xây dựng có chủ ý cho các khẩu đội phòng không.
Động thái này diễn ra sau nhiều cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ước tính đã có hơn 190 cuộc tấn công bằng UAV như vậy vào các vùng bên trong nước Nga cũng như bán đảo Crimea. Mặc dù các mục tiêu chủ yếu ở miền Tây nước Nga gần biên giới với Ukraine, nhưng cũng đã có các cuộc tấn công nhắm đến St. Petersburg và hơn 10 cuộc tấn công vào Moscow.
Các cuộc tấn công như vậy đã làm hư hại một số tòa nhà và khu công nghiệp của Nga như các nhà máy lọc dầu.
Các tháp phòng không không phải là vũ khí đầu tiên có tuổi đời hàng chục được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Bên cạnh các vũ khí tiên tiến, cả Nga và Ukraine đều dựa vào những khẩu pháo phòng không có tuổi đời hàng chục năm để chống lại tên lửa và UAV của đối phương.
Câu hỏi về hiệu quả phòng không
Câu hỏi đặt ra cho phía Nga là hệ thống phòng không mới của nước này có hiệu quả bảo vệ ra sao. Việc đặt ở trên cao sẽ giúp mở rộng phạm vi phát hiện và trường bắn của Pantsir – hệ thống ba phương tiện gồm radar, tên lửa đất đối không tầm trung và súng phòng không kép 30 mm.
Dù vậy, với sự rộng lớn của Nga, những tòa tháp này chỉ có thể cung cấp khả năng phòng thủ cho một số địa điểm nhất định như căn cứ không quân và các thành phố lớn.
Năm 1940, Đức xây dựng tháp phòng không sau khi máy bay ném bom của Anh tiến hành một cuộc đột kích nhỏ vào Berlin. Những công trình này mọc lên ở các thành phố trên khắp lãnh thổ Đức, bao gồm các cụm 2-3 tòa tháp ở Berlin, Hamburg… Chúng được trang bị hàng chục khẩu pháo phòng không, trong đó có 8 khẩu pháo 128mm trên nóc, có thể bắn trúng máy bay ở độ cao 15.000 mét. Những khẩu pháo lớn này được bổ sung thêm các khẩu đội pháo bắn nhanh 20mm có hiệu quả chống máy bay bay thấp.
Mặc dù các tòa tháp đủ cao để có trường bắn rõ ràng ở khu vực thành thị, nhưng vẫn chưa rõ hiệu quả của chúng so với các địa điểm phòng không thông thường như thế nào. Tuy nhiên, với những bức tường bê tông dày tới 3,3 mét và bom của quân đồng minh không thể xuyên qua, chúng có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn.
Khi các thành phố của Đức bị máy bay ném bom của quân Đồng minh tấn công suốt ngày đêm, các “flakturme” có tới 30.000 người. Chúng còn đóng vai trò là trụ sở phòng không, bệnh viện, thậm chí là khu lưu trữ để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật.
“Chúng không giống nhau, bởi Nga hiện sử dụng hệ thống mái nhà hoặc các hệ thống xung quanh Moscow được xây dựng trên các đoạn đường dốc. Việc Nga sử dụng các hệ thống này dường như mang tính thực dụng hơn là mang tính chiến lược và việc sử dụng chúng dường như không có nhiều giá trị chiến thuật hoặc hoạt động ngoài việc có thể có một khu vực giao chiến rõ ràng hơn hoặc cao hơn ở các khu vực đô thị đã xây dựng”, Westermann nói với Insider.
Hầu hết các tháp pháo phòng không của Đức đã bị phá hủy sau năm 1945, nhưng vẫn còn một số tháp còn tồn tại đến ngày nay và trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...