Lực lượng cứu hộ đã mở rộng gấp đôi phạm vi tìm kiếm, đồng thời gấp rút triển khai thêm tàu và thiết bị đến Đại Tây Dương để tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích sáng 18/6. Mỗi phút trôi qua, cơ hội cứu sống các nạn nhân càng trở nên mong manh khi dưỡng khí trên tàu được cho là đã cạn kiệt.
Phạm vi tìm kiếm đã mở rộng gấp hai lần diện tích Connecticut, bang có lãnh thổ rộng hơn 13.000 km2. Lực lượng chức năng vẫn hy vọng có thể giải cứu toàn bộ 5 người trên tàu Titan nhờ những âm thanh phát hiện dưới nước trong 2 ngày qua. Tuy nhiên, hiện không thể khẳng định những tiếng động này là từ tàu lặn Titan và các chuyên gia hải quân đang phân tích dữ liệu để xác định.
Đại úy Jamie Frederick thuộc Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết: “Đây là nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mọi nguồn lực trong tay để tìm kiếm tàu Titan và các thành viên trên tàu. Riêng về những âm thanh dưới nước mà lực lượng cứu hộ phát hiện, chúng tôi chưa thể xác định chính xác đó là gì. Tuy nhiên, chúng tôi đang tìm kiếm trong khu vực phát hiện tiếng ồn và sẽ tiếp tục làm như vậy.”
Nhiều thiết bị và công nghệ tiên tiến đã được huy động, trong đó có máy bay vận tải đa năng, robot thám hiểm biển sâu và hệ thống định vị thuỷ âm để lắng nghe bất kỳ âm thanh nào có thể phát hiện dấu vết tàu lặn. Hải quân Mỹ hôm qua cũng đã gửi một hệ thống cứu hộ chuyên dụng có khả năng nâng các vật thể lớn, cồng kềnh và nặng dưới đáy biển như máy bay hay tàu nhỏ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ là không hề dễ dàng từ việc xác định vị trí của con tàu đến tiếp cận bằng thiết bị cứu hộ, đưa tàu lên mặt nước và quan trọng hơn, tất cả những điều này đều phải thực hiện trước khi nguồn cung cấp oxy cho những người trên tàu cạn kiệt. Theo lý thuyết, lượng oxy này sẽ đủ duy trì đến sáng 22/6. Tuy nhiên, thời gian này còn phụ thuộc vào nhịp thở của những người bên trong tàu và với điều kiện, con tàu mất tích còn nguyên vẹn, không phải bị mắc kẹt hay bị hư hỏng.
Nhà khoa học địa chất Jamie Pringle tại Đại học Keele (Anh) cho biết: “Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Lần mò ở độ sâu cực hạn rất khó bởi đáy biển gồ ghề hơn nhiều so với trên đất liền. Nếu tàu lặn mắc kẹt ở đáy biển, việc xác định vị trí của tàu sẽ thực sự khó khăn. Ngay cả tìm kiếm xung quanh xác tàu Titatic cũng trắc trở bởi đó là khu vực quá rộng. Đó thực sự là một thử thách khó khăn.”
Khu vực Bắc Đại Tây Dương, nơi tàu Titan mất tích hôm 18/6, dễ xảy ra sương mù và bão, cũng khiến nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn trở nên khó khăn hơn. Trong số những hành khách đã chi tới số tiền lên tới 25.000 USD cho chuyến tham quan xác tàu Titanic, có tỷ phú người Anh Hamish Harding, cùng một doanh nhân người Anh gốc Pakistan và con trai của ông này./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...