Mỹ “âm thầm” gửi ATACMS cho Ukraine để gây bất ngờ cho Nga

21:19 - 18/10/2023

Quân đội Ukraine hôm qua (17/10) đã sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp để tấn công phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga ở miền Đông Ukraine. Trước đó, Washington bí mật vận chuyển vũ khí này cho Kiev trong những tuần gần đây.

Theo nhiều quan chức Mỹ, Washington đã bí mật cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS) trong những ngày gần đây. Động thái này được cho là bổ sung đáng kể năng lực tác chiến tầm xa, giúp các lực lượng Ukraine có thể tấn công các mục tiêu Nga trước đây nằm ngoài tầm bắn của các vũ khí Kiev có trong tay.

Xác nhận đã được đưa ra hôm 17/10 sau khi những hình ảnh về mảnh vỡ của tên lửa ATACMS ở Ukraine bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội.

Các quan chức Mỹ ngày 17/10 nói với CNN rằng Ukraine đã sử dụng ATACMS để tấn công các sân bay Nga ở Berdyansk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Quân đội Ukraine cùng ngày tweet rằng cuộc tấn công đã phá hủy một số máy bay trực thăng của Nga, một kho đạn dược và một bệ phóng phòng không, nhưng không nói rõ liệu họ có sử dụng ATACMS để làm điều đó hay không.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác nhận việc quân đội sử dụng ATACMS và bày tỏ lòng biết ơn đối với viện trợ từ phía Mỹ.

“Hôm nay, tôi đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn với Mỹ. Các thỏa thuận của chúng tôi với Tổng thống Biden đang được thực hiện. Chúng đang được triển khai rất chính xác – ATACMS đã chứng tỏ được giá trị của nó”, ông Zelensky nói.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson sau đó xác nhận: “Mỹ gần đây đã cung cấp cho Ukraine một loại ATACMS có tầm bắn 165 km [một số biến thể của ATACMS có tầm bắn lên đến hơn 300km – ND] như một phần trong chương trình hỗ trợ liên tục của chúng tôi dành cho Ukraine… Chúng tôi tin rằng điều này sẽ mang lại sự tăng cường đáng kể cho năng lực chiến đấu của Ukraine mà không gây nguy hiểm cho sự sẵn sàng quân sự của Mỹ”.

Vì sao Mỹ lặng lẽ chuyển ATACMS cho Ukraine?

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, phiên bản tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine mang đạn chùm thay vì đầu đạn đơn nhất. Vào giữa tháng 7/2023, trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm và không đạt được kết quả như kỳ vọng, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan lần đầu tiên yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia làm việc với Lầu Năm Góc để cung cấp một danh sách cập nhật về các lựa chọn ATACMS nhằm đánh giá tác động tiềm tàng đối với sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.

Vị quan chức này cho biết thêm, Ukraine nhận được tên lửa ATACMS trong những ngày gần đây, sau khi Tổng thống Biden ký phê duyệt việc chuyển giao từ giữa tháng 9 năm nay.

Nguồn video: Forces News.

 

Quan chức này cho biết tên lửa được cung cấp “trong những ngày gần đây” và Biden đã ký phê duyệt việc chuyển giao chúng vào giữa tháng 9. Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine tại Nhà Trắng ngày 21/9, Tổng thống Biden thông báo với ông Zelensky về quyết định gửi biến thể đặc biệt của ATACMS, được gọi là APAM hoặc sát thương/phản trang bị.

Mỹ quyết định âm thầm gửi tên lửa ATACMS cho Ukraine vì muốn khiến người Nga bị bất ngờ, đặc biệt sau nhiều tháng đồn đoán về việc liệu ông Biden có đồng ý gửi loại vũ khí này cho Kiev hay không. Người Nga biết rõ về tầm bắn của ATACMS và Mỹ lo ngại họ sẽ di chuyển thiết bị và vũ khí ra khỏi tầm bắn của tên lửa trước khi nó có thể được sử dụng.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ có cách làm như vậy. Vào tháng 8/2022, Lầu Năm Góc cho biết họ đã gửi tên lửa chống bức xạ HARM tới Ukraine mà không báo trước.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn thường công bố các gói viện trợ vũ khí quan trọng cho Ukraine, bao gồm cả việc nước này gửi cho Kiev hệ thống phòng không Patriot vào năm ngoái và bom chùm trong năm nay.

Mỹ trước đây không muốn gửi các loại tên lửa đất đối đất tầm xa có điều khiển cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang và Ukraine có thể dùng các tên lửa này bắn vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, mối lo ngại này dường như đã giảm đi nhiều trong vài tháng qua khi Kiev đã chứng minh rằng họ làm đúng cam kết không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ bên trong nước Nga, các quan chức Mỹ cho biết.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhắc lại đề nghị cung cấp ATACMS với Tổng thống Mỹ Biden. Sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, ông Andriy Yermak vào thời điểm đó cho biết: “Khi chúng tôi nói về tên lửa tầm xa cho Ukraine thì đó không chỉ là ý muốn mà là một nhu cầu thực sự. Hiệu quả của quân đội trên chiến trường cũng như sinh mạng của binh sĩ và bước tiến trên thực địa phụ thuộc vào điều đó”.

Ngay trong chuyến thăm đó của ông Zelensky, Mỹ công bố gói viện trợ mới cho Ukraine mà không bao gồm ATACMS. Nhưng khi được hỏi lại vào đầu tháng này về việc cung cấp tên lửa tầm xa, Tổng thống Biden nói với các phóng viên: “Tôi đã nói chuyện với ông Zelensky và mọi thứ ông ấy yêu cầu, chúng tôi đều đã giải quyết”.

Hiện tại, vũ khí có tầm bắn tối đa Mỹ cung cấp cho Ukraine là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất. Vũ khí này có tầm bắn tối đa gần 150km. Ukraine cũng có tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp, có tầm bắn khoảng 250km.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...