Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 28/3/2024.
Ukraine tập kích tên lửa tàu đổ bộ bị Nga tịch thu khi sáp nhập Crimea: Ukraine cho hay, lực lượng nước này đã phóng tên lửa trúng tàu đổ bộ của nước này bị Nga tịch thu cách đây 10 năm.
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 26/3 cho hay, lực lượng nước này đã sử dụng tên lửa diệt hạm Neptune sản xuất nội địa để tấn công tàu đổ bộ Konstantin Olshansky. Nga tịch thu con tàu này cùng với phần lớn tài sản hải quân của Ukraine trong quá trình sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Theo Người phát ngôn Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk, trong nhiều năm, tàu Konstantin Olshansky đã neo đậu ở Vịnh Sevastopol phía Tây Nam Crimea khi Nga tháo dỡ nó để lấy các bộ phận, nhưng cuối cùng Moscow đã quyết định khôi phục con tàu vì họ đã hết tàu đổ bộ.
Khoảnh khắc xe thiết giáp Nga sơ hở, bị UAV Ukraine thả lựu đạn vào trong: Chiếc xe thiết giáp này của Nga tuy có giáp lồng ở trên nhưng lồng lại không che kín toàn nóc. UAV Ukraine đã lợi dụng lúc nắp xe đang mở để thả chính xác một quả lựu đạn qua đó, làm xe nổ tung ở phía trước.
Nga nói về khả năng huy động thêm quân để thiết lập vùng đệm: Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, Nga không cần phải công bố một đợt huy động khác để bổ sung binh lính cho quân đội, ngay cả khi Moscow có thể thiết lập vùng đệm tại các khu vực do Ukraine kiểm soát.
Vào đầu tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đề xuất Nga có thể thiết lập vùng đệm tại các khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine để ngăn chặn Kiev tấn công Moscow bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.
“Để bảo vệ người dân của mình khỏi các cuộc tấn công của Ukraine, vào một thời điểm nào đó, Nga có thể thiết lập một vùng đệm ở các vùng lãnh thổ hiện do Ukraine kiểm soát. Lực lượng Nga sẽ thiết lập một khu vực an ninh mà đối phương sẽ rất khó vượt qua”, nhà lãnh đạo Nga nói, nhấn mạnh rằng Nga sẽ thực hiện điều này “khi chúng tôi thấy điều đó là phù hợp”.
Quan chức Nga muốn đưa lãnh đạo tình báo Ukraine vào tầm ngắm: Theo ông Bortnikov, nguyên tắc tương tự nên được áp dụng đối với bất kỳ ai “phạm tội” chống lại Nga.
Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov cho rằng Nga cần coi lãnh đạo tình báo quốc phòng Ukraine Kirill Budanov là “mục tiêu chính đáng”. Theo ông, nguyên tắc tương tự nên được áp dụng đối với bất kỳ ai phạm tội chống lại nước Nga.
Tháng 12/2023, một tòa án ở Moscow đã ra lệnh bắt Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng (GUR) Ukraine Kirill Budanov vì tội khủng bố, sau khi cáo buộc ông này chủ mưu hơn 100 “cuộc tấn công khủng bố” bằng máy bay không người lái nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Nga.
Pháp có thể trưng dụng cơ sở công nghiệp quốc phòng để hỗ trợ cho Ukraine: Chính phủ Pháp sẽ không loại trừ vấn đề trưng dụng nhân lực, kho dự trữ hay các phương tiện sản xuất cũng như áp đặt sản xuất đối với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đưa ra ngày hôm qua (26/3) để đảm bảo chủ quyền và duy trì viện trợ cho Ukraine.
Phát biểu trong chuyến thăm Tập đoàn quốc phòng Eurenco cùng các tham mưu trưởng quân đội, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng Pháp sản xuất với cường độ nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của quân đội nước này và đảm bảo hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.
Bộ trưởng Quân đội Pháp nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của pháo binh trong cuộc xung đột tại Ukraine và đặt mục tiêu sẽ sản xuất 100.000 quả đạn pháo 155mm trong năm 2024, trong đó 80% số đạn pháo này sẽ được chuyển giao cho Ukraine và phần còn lại sẽ được quân đội Pháp sử dụng.
Ba Lan và Ukraine sắp đạt được thỏa thuận về ngũ cốc: Hãng tin Reuters hôm nay cho biết Ba Lan và Ukraine có thể sắp đạt được thỏa thuận về nhập khẩu nông sản. Thông tin được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày mai giữa bộ trưởng nông nghiệp của 2 nước.
Lãnh đạo của Đảng Nông dân Ba Lan (PSL) trong liên minh cầm quyền cho biết, phái đoàn 2 nước sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề thông qua đối thoại. Ông này cũng lạc quan về triển vọng giải quyết được nhiều chủ đề quan trọng bao gồm cả vấn đề ngũ cốc từ Ukraine.
Các nước Trung Âu ủng hộ việc mở rộng EU đối với các quốc gia Balkan: Ngày 26/3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Âu trong khuôn khổ nhóm C5 bao gồm Cộng hòa Séc, Slovenia, Hungary, Áo, Slovakia đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và việc mở rộng Liên minh Châu Âu trong thời gian tới đối với các quốc gia khu vực Balkan.
Các nhà lãnh đạo 5 nước Trung Âu đã cùng thảo luận về việc hỗ trợ quốc gia Tây Balkan trên con đường gia nhập EU. Bộ trưởng Ngoại giao Séc cho rằng khu vực Balkan là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Séc cũng như EU, nước này đang tìm kiếm các lợi ích chung với các đối tác từ khu vực Trung Âu, không chỉ cho các quốc gia mà còn ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU). Người đứng đầu Bộ ngoại giao Séc nhắc lại quyết định gần đây của các nhà lãnh đạo EU về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Bosnia và Herzegovina đồng thời khẳng định đây là thông điệp tích cực cho toàn bộ khu vực Tây Balkan.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...