Hôm nay (21/8), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến công du tới hai nước Ba Lan và Ukraine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia Đông Âu này kể từ sau năm 1979. Trọng tâm của chuyến thăm lần này sẽ là tái khởi động quan hệ song phương giữa hai nước.
Sau chuyến công du tới Ba Lan, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ thăm Ukraine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ukraine kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 30 năm. Trước đó vài tuần, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đã có chuyến thăm Nga đầu tiên sau 5 năm. Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, việc Thủ tướng Ấn Độ liên tiếp tới thăm hai nước bên bờ chiến tuyến cho thấy điều gì?
Tính toán của Ấn Độ trong chuyến thăm bước ngoặt tới 2 nước Đông Âu
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Ba Lan vào ngày hôm nay (21/8) và Ukraine vào ngày 23/8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ba Lan trong 45 năm qua và là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ tới Ukraine trong hơn 30 năm qua. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu, đặc biệt là do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. Bên cạnh quan hệ song phương, chuyến đi này không ngoài mục đích thúc đẩy đối thoại và ngoại giao giữa các nước.
Ba Lan, một thành viên quan trọng của NATO ở phía Đông và là đối tác chiến lược của Ấn Độ tại châu Âu. Vai trò này càng được thể hiện trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ này khi Ấn Độ tìm cách mở rộng ảnh hưởng và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược tại châu Âu.
Chuyến thăm này mang nhiều hàm ý vì một số lý do. Thứ nhất, nó thể hiện sự gắn kết ngày càng sâu sắc của Ấn Độ với các quốc gia Đông Âu, một khu vực ngày càng quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine. Vị trí địa lý của Ba Lan, gần Ukraine, và vai trò của nước này trong việc hỗ trợ người tị nạn Ukraine và các nỗ lực quân sự đã khiến Ba Lan trở thành đồng minh quan trọng của nhiều quốc gia phương Tây. Thông qua chuyến thăm, chính quyền Thủ tướng Modi dường như thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của Ba Lan và tìm cách củng cố quan hệ song phương.
Thứ hai, chuyến thăm là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ý định đa dạng hóa các mối quan hệ của Ấn Độ tại châu Âu. Trước đây, Ấn Độ thường tập trung vào các quốc gia Tây Âu như Pháp và Đức, hiện nay New Delhi đang hướng về phía Đông, nhận ra ảnh hưởng ngày càng tăng của các quốc gia như Ba Lan trong chính trị châu Âu. Sự thay đổi này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hợp tác quốc phòng, thương mại và an ninh năng lượng.
Ấn Độ và Ba Lan có lịch sử hợp tác lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và hai nước đã hợp tác trong nhiều dự án công nghệ quốc phòng. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi hứa hẹn sẽ làm sâu sắc thêm sự hợp tác này, với các cuộc thảo luận có thể tập trung vào việc mở rộng liên doanh, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực quốc phòng.
Chuyến thăm hai nước Đông Âu của Thủ tướng Modi được xem là một phần chiến lược ngoại giao của Ấn Độ trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Ấn Độ khẳng định ủng hộ giải quyết xung đột thông qua ngoại giao và đối thoại. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Ukraine được xem là một hành động cân bằng trong bối cảnh xung đột hiện tại. New Delhi dường như mong muốn đóng góp ở mức độ nào đó để tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại.
Nội dung các cuộc thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi
Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Ba Lan và Ukraine có ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đối với hai quốc gia Đông Âu, vào một thời điểm quan trọng khi gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng thế giới rằng Ấn Độ ủng hộ hòa bình, đối thoại, đàm phán theo hiến chương Liên hợp quốc về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy một giải pháp công bằng và hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại.
Chuyến thăm Ba Lan và Ukraine của Thủ tướng Modi đánh dấu sự tiếp nối nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của châu Âu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thập kỷ qua. Chuyến thăm của ông sẽ lấp đầy một mắt xích còn thiếu là khu vực Trung Âu trong chính sách châu Âu của Ấn Độ vào thời điểm này.
Đối với Ba Lan, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia này kể từ năm 1979, chào mừng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1954-2024) và tiến tới các thỏa thuận lịch sử về hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Trong đó, ba lĩnh vực ưu tiên trọng tâm của chuyến thăm đó là công nghệ, an ninh và quốc phòng. Một điểm đáng chú ý, thương mại song phương của hai nước tăng trưởng rất đáng kể, ở mức 6 tỷ đô la Mỹ, khiến Ba Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ ở Trung và Đông Âu. Một số công ty Ấn Độ đã đạt những thành công nhất định vào nhiều lĩnh vực, từ CNTT đến dược phẩm, sản xuất, xe nông nghiệp đến điện tử, thép, kim loại và hóa chất… và ngược lại.
Tiếp đó, Thủ tướng Ấn Độ sẽ có chuyến thăm chính thức tới Kiev. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine của một Thủ tướng Ấn Độ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1992. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi sẽ hội đàm với Tổng thống Zelensky để thảo luận về hợp tác song phương và đa phương, một số văn bản dự kiến sẽ được ký kết giữa Ukraine và Ấn Độ. Các hoạt động của Thủ tướng Modi tại Kiev sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh của quan hệ song phương bao gồm chính trị, thương mại, kinh tế, đầu tư, quốc phòng, y tế, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân, hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động khác.
Chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Thủ tướng Ấn Độ tới Ukraine sẽ giúp củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong các hoạt động thương mại, kinh tế.
Dư luận về vai trò trung gian của Ấn Độ trong xung đột Nga - Ukraine
Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với xung đột Ukraine được đặc trưng bởi một hành động cân bằng tinh tế. Trong khi duy trì mối quan hệ lịch sử với Nga, Ấn Độ cũng đã tham gia với các quốc gia phương Tây. Quan trọng là Ấn Độ luôn giữ quan điểm khách quan, không nghiêng về bên nào, kêu gọi giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột. Trong bối cảnh này, vai trò của Ba Lan là một thành viên chủ chốt của NATO và là một quốc gia tuyến đầu khiến nước này trở thành đối tác thiết yếu của Ấn Độ.
Ấn Độ đã từ chối vai trò trung gian trực tiếp giữa Nga và Ukraine, nhưng sẵn sàng truyền tải thông điệp giữa hai bên. Trong bối cảnh xung đột hiện tại, Ấn Độ không muốn đứng về phía nào mà luôn tìm kiếm các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và phương Tây. Ấn Độ đã sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ có thể để giúp Nga và Ukraine tìm ra một giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột tại Ukraine.
Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Ukraine đặc biệt được chú ý vì Ấn Độ đã không công khai lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Ấn Độ duy trì lập trường rõ ràng và nhất quán rằng ngoại giao và đối thoại là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Ấn Độ có mối quan hệ độc lập và bền vững với cả Nga và Ukraine.
Điều này cũng thể hiện rất rõ trong các cuộc trò chuyện trước đây giữa nhà lãnh đạo Ấn Độ với các nhà lãnh đạo của cả Nga và Ukraine đồng thời bày tỏ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ và đóng góp để giúp tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề phức tạp này và cả trong quá trình phục hồi.
Chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng Modi là một động thái chiến lược nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Âu chủ chốt trong bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra. Bằng cách củng cố mối quan hệ với Ba Lan, Ấn Độ không chỉ tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Âu mà còn củng cố vị thế như một bên có trách nhiệm trên toàn cầu. Chuyến thăm là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ sẵn sàng tham gia tích cực hơn vào các vấn đề toàn cầu, sử dụng đòn bẩy ngoại giao và chiến lược của mình để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong một thế giới đa cực.
Viễn cảnh Ấn Độ làm trung gian giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine đã được giới chính trị gia các nước nêu ra nhưng theo thời gian, Ấn Độ dường như ngày càng tỏ ra thận trọng hơn, khi chỉ khẳng định sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào để giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Cuộc xung đột ở Ukraine ngày nay là hậu quả của sự đổ vỡ các thỏa thuận chính trị hậu Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây ở Trung và Đông Âu. Việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine cũng sẽ xác định khuôn khổ cho một trật tự mới ở châu Âu, bất kể bản chất của trật tự châu Âu mới đó là gì. Với một Ba Lan đang trỗi dậy và một Ukraine đang là tâm điểm chiến trường châu Âu, trong khi Ấn Độ tìm cách tăng cường sự tham gia của mình vào châu Âu, Ba Lan và Ukraine chắc chắn sẽ nổi lên như những đối tác quan trọng lâu dài. Việc Ấn Độ tiếp cận Ba Lan và Ukraine ngay sau chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi nhấn mạnh niềm tin của Ấn Độ rằng họ không coi mối quan hệ với Moscow và Trung Âu là “một trò chơi tổng bằng không”.
Giới phân tích cũng cho rằng chuyến thăm này nhằm mục đích kiểm soát những tác động không mong muốn từ chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi hồi tháng trước. Cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị Kiev và những người ủng hộ phương Tây chỉ trích. Thậm chí, Tổng thống Ukraine Zelensky gọi chuyến đi của Thủ tướng Modi tới Nga là "một đòn giáng vào các nỗ lực hòa bình", trong khi Washington bày tỏ "mối quan ngại" của mình với New Delhi về mối quan hệ của nước này với Nga. Quốc gia Nam Á này liên tục chịu áp lực từ các đối tác phương Tây về mối quan hệ với Nga - vốn đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong 2 năm qua khi Nga trở thành nguồn cung cấp dầu thô giá rẻ chính cho Ấn Độ, hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại Ấn Độ cho biết có mối quan hệ thực chất và độc lập với cả Nga và Ukraine và chuyến thăm này dựa trên các tương tác liên tục giữa Ấn Độ và Ukraine cũng như Ba Lan.
Ngay trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Ba Lan và Ukraine lần này "mang tính bước ngoặt và lịch sử". Hai chuyến thăm này diễn ra khoảng một tháng sau chuyến thăm Nga. Phía Ấn Độ cho đến nay vẫn nhấn mạnh cần có ngoại giao và đối thoại để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine và nước này cũng bày tỏ sẵn sàng đóng góp cho các nỗ lực hòa bình.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...