Đại tá hải quân đã nghỉ hưu của Nga Vasily Dandykin cho rằng chỉ có một thành viên NATO liền kề Biển Đen có thể thách thức Nga nhưng họ sẽ không liều lĩnh làm điều đó.
Đô đốc Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis đề xuất tàu chiến NATO nên hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen và bắn vào tàu chiến của Nga nếu bị đe dọa. Khi được đề nghị bình luận về đề xuất này, Thuyền trưởng hạng nhất (Đại tá hải quân) đã nghỉ hưu của Nga Vasily Dandykin cho biết chỉ có một thành viên NATO liền kề Biển Đen có thể thách thức Nga nhưng họ sẽ không liều lĩnh làm điều đó.
“NATO và Mỹ có thể hộ tống các chuyến tàu chở ngũ cốc trên biển. Họ có thể thực hiện điều này với 3 quốc gia thành viên NATO ở Biển Đen”, ông Stavridis nói, bình luận về khả năng đưa ngũ cốc của Ukraine ra khỏi Odessa trong bối cảnh Nga đã đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc và không đảm bảo an toàn cho hành lang nhân đạo.
NATO có 3 quốc gia thành viên giáp Biển Đen gồm Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Để gửi một lời cảnh báo rõ ràng dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga, NATO nên bắn trả nếu một tàu chiến Moscow tấn công tàu chở ngũ cốc”, ông Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO đề xuất.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi việc mở lại hành lang ngũ cốc ở Biển Đen là “ưu tiên tuyệt đối”.
Cũng trong tuần trước, truyền thông Mỹ dẫn một nguồn thạo tin cho hay Ankara đã bác bỏ việc hộ tống các tàu chở ngũ cốc Ukraine bằng tàu chiến, coi đây là “động thái cực kỳ rủi ro” với lý do Moscow có thể sẽ phản ứng.
Canh bạc liều lĩnh của NATO
“Họ đang yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp, nhưng Ankara sẽ phải làm như thế nào? Đây là vấn đề nguyên tắc đối với Ankara. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nguyên tắc của chính mình, địa vị của họ sẽ bị suy giảm”, nhà phân tích Dandykin nói với Sputnik.
Ông Dandykin cho rằng mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay không người lái (UAV) Bayraktar cho Kiev, vẫn duy trì liên lạc với Tổng thống Ukraine Zelensky, nhưng Ankara đồng thời cũng duy trì liên lạc chiến lược với Moscow.
“Thổ Nhĩ Kỳ có cần chiến tranh với Nga không? Họ có quan hệ với Nga trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đường ống dẫn khí đốt, đến du lịch… Do đó, cuộc thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống các tàu Ukraine hoàn toàn chỉ mang tính giả thuyết”, ông Dandykin nói.
Nói về các quốc gia NATO lân cận Biển Đen khác được ông Stavridis ám chỉ là ứng cử viên cho nhiệm vụ hộ tống, đại tá nghỉ hưu của Nga Dandykin đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ thực sự có một hạm đội khá mạnh, nhưng Bulgaria và Romania thì không.
“Hạm đội Biển Đen của Nga có khả năng đẩy lùi hạm đội của các quốc gia NATO nói trên cũng như một số quốc gia khác. Xét cho cùng, hạm đội của Nga không chỉ bao gồm các tàu được trang bị tên lửa hành trình Kalibr mà còn có cả hệ thống phòng thủ ven bờ được trang bị tên lửa Onyx, hệ thống phòng thủ bờ biển Bal, lực lượng không quân của hải quân… Đó là nếu chúng ta đang nói về Crimea. Ngoài ra, Nga cũng có căn cứ hải quân Novorossiysk. Nói cách khác, Biển Đen không đủ lớn để một canh bạc liều lĩnh của NATO có thể thành công”, nhà quan sát Nga nhấn mạnh.
Công ước Montreux
Đối với các cường quốc NATO bên ngoài Biển Đen, bao gồm cả Mỹ, việc họ vào vùng biển này để hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine sẽ vi phạm Công ước Montreux năm 1936, theo đó hạn chế sự hiện diện của tàu chiến nước ngoài trong khu vực không quá 21 ngày.
Ngoài ra, liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Ankara đã quyết định đóng cửa hoàn toàn Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đối với các tàu chiến nước ngoài mà còn cả Ukraine và Nga.
Cuối cùng, ông Dandykin tin rằng có một “giới hạn” nhất định mà các đối tác NATO của Kiev, đặc biệt là Mỹ và Anh, sẽ không dám vượt qua. Do đó, đề xuất của ông Stavridis về việc triển khai tàu chiến NATO để hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Ukraine chỉ là ý tưởng viển vông.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...