Mới đây, một tạp chí khoa học COSMOS của Cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu Australia đã xuất bản thử nghiệm các bài báo do trí tuệ nhân tạo sản xuất.
Mặc dù đây mới chỉ là thử nghiệm nhưng việc làm này gặp phải sự phản đối mạnh từ các nhà báo khoa học tại Australia. Trong hai tuần của tháng 7/2024, tạp chí COSMOS của Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của Australia (CSIRO) đã xuất bản thử nghiệm 6 bài báo khoa học do trí tuệ nhân tạo viết mang tính giải thích trong nhiều lĩnh vực từ hố đen cho đến bể chứa carbon. Các bài viết này đều được ghi rõ là do trí tuệ nhân tạo viết.
Người phát ngôn của CSIRO cho biết họ ủng hộ việc thử nghiệm và dự án này được thiết kế để tìm hiểu về các rủi ro và cơ hội khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dàn ý cho bài viết. Tạp chí COSMOS không huấn luyện trí tuệ nhân tạo để tạo ra công cụ viết báo riêng cho mình mà sử dụng ứng dụng GPT-4 để viết bài dựa trên nguồn dữ liệu sẵn có của 15.00 bài báo và nhiều tư liệu để viết nên bài báo. Bài báo sau khi được trí tuệ nhân tạo viết sẽ được tạp chí kiểm chứng thông tin trước khi mang đi xuất bản.
Việc thử nghiệm này được kéo dài đến tháng 2/2025 và sẽ được đánh giá để có những điều chỉnh phù hợp trong việc lập trình công cụ, cách thức sử dụng công cụ và đánh giá xem công cụ có cần cải tiến để có thể tiếp tục sử dụng.
Mặc dù mới chỉ là thử nghiệm song việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết báo của tạp chí COSMOS đang bị các nhà báo khoa học tại Australia phản đối trong lúc nhiều câu hỏi về bản quyền, tính đạo đức và tính xác thực của các bài báo chưa được trả lời. Nhiều biên tập viên hay các cộng tác viên của tạp chí COSMOS cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết các bài báo là một ý tưởng tồi và không phải là hướng đi đúng.
Mặc dù là một tạp chí khoa học uy tín song COSMOS gặp khó khăn tài chính dẫn đến việc cắt giảm một nửa nhân viên vào hồi đầu năm nay trước khi tạp chí này được chuyển về dưới quyền quản lý của CSIRO vào tháng 6/2024.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...