Tin đồn về việc Australia, Mỹ và Anh vừa ký thỏa thuận AUKUS sửa đổi để cho phép Mỹ và Anh đưa chất thải hạt nhân tới Australia đang thu hút sự chú ý của dư luận Australia.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc hôm qua (8/8) Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo với Quốc hội Mỹ về việc Mỹ, Anh và Australia vừa ký thỏa thuận AUKUS mới. Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ba nước vừa đạt được cột mốc mới trong các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ AUKUS để có thể chế tạo, vận hành và bảo trì các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Theo đó, ba nước sẽ mở rộng hợp tác trong chuyển giao các nhà máy động cơ đẩy hạt nhân của hải quân cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, chuyển giao các bộ phận cấu thành, các phụ tùng thay thế và các thiết bị liên quan. Tổng thống Joe Biden cũng cho biết, thiết bị được chuyển giao theo thỏa thuận này có thể bao gồm các thiết bị dùng trong nghiên cứu, phát triển hoặc thiết kế các nhà máy động cơ đẩy hạt nhân của hải quân và cả các thiết bị liên quan đến quá trình sản xuất, vận hành, bảo trì và đào thải.
Các thông tin mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra khiến dư luận Australia lo ngại thỏa thuận mới có thể cho phép Mỹ và Anh vận chuyển chất thải hạt nhân đến nước này.
Phản ứng trước lo ngại này, hôm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã bác bỏ điều này và gọi đây là thông tin không chính xác:
“Những điều mà mọi người đang nói là thông tin không chính xác. Thỏa thuận này là nền tảng pháp lý cho những gì mà các bên đã đồng ý. Liên quan đến chất thải hạt nhân sau những năm 2030, nó không phải là những gì chúng tôi đã thỏa thuận. Chúng ta sẽ có trách nhiệm với chất thải hạt nhân của mình, và điều này đã được làm rõ vào tháng 3 năm ngoái và tiến trình chuẩn bị cho điều này đang diễn ra. Tôi cũng cần nhắc lại rằng, ngay từ ban đầu, chúng ta đã xác định việc tự xử lý chất thải hạt nhân của mình vào những năm 2050 và chúng ta có thời gian chuẩn bị để có thể làm việc này một cách đúng đắn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết thêm, thỏa thuận mà Australia, Mỹ và Anh vừa ký kết là nền tảng pháp lý để các nước chuyển giao công nghệ cho Australia ví dụ như chuyển giao các thiết bị hạt nhân cho Australia để tàu ngầm lớp Virginia và lò phản ứng hạt nhân của Roll Royce có thể được chế tạo tại nước này. Bộ trưởng Richard Marles nhấn mạnh, trong quá trình này, Australia luôn tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các nghĩa vụ quốc tế theo Hiệp ước Rarotonga không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...