Đó là thông tin do ông Tạ Ly Quân, Tổng giám đốc cơ quan Công nghệ và Giáo dục hướng nghiệp Đài Loan, cung cấp tại buổi họp báo vào ngày 20.4, theo Taiwan News.
Năm 2017, năm đầu tiên mà chương trình mở được 98 lớp học, tập trung vào các ngôn ngữ Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và tiếng Việt. Con số này đã tăng lên 143 trong năm ngoái và được mở rộng từ các lớp căn bản lên nâng cao.
Ông Tạ cho hay số học viên theo học tiếng Việt thậm chí còn cao hơn tất cả các chương trình dạy ngôn ngữ khác gộp lại. Nhu cầu vượt bậc cho phép các trường xây dựng và phát triển mô hình giảng dạy toàn diện môn tiếng Việt. Việc sở hữu kỹ năng tiếng Việt được cho là yếu tố quyết định giúp một người có tìm được việc làm ở Đài Loan hay không.
Nguyên nhân là nhu cầu tiếng Việt trong lĩnh vực kinh doanh đang gia tăng. Những học viên thành công trong việc trang bị kỹ năng ngôn ngữ của vùng Đông Nam Á, bao gồm tiếng Việt, được cho tạo lợi thế để lao động Đài Loan tìm được việc làm. Chính quyền Đài Bắc cũng đánh giá cao tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi các chuỗi cung ứng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau dịch.
Ở chiều ngược lại, số người Việt Nam đến Đài Loan du học lần đầu tiên vượt qua con số 20.000 hồi tháng 3. Theo Cơ quan Giáo dục Đài Loan, số du học sinh đến từ Việt Nam tăng đáng kể sau khi Việt Nam mở cửa biên giới từ tháng 3.2022. Thống kê cho thấy số du học sinh Việt Nam đã tăng 26% trong năm 2022 so với năm 2021, đánh dấu một phần nỗ lực của Việt Nam trong việc đào tạo thêm nhiều tài năng để nâng tầm quốc gia trên thế giới.