Thám tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường (bên phải) và Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam Trần Thị Thu Hằng trao đổi với đối tác Malaysia. (Ảnh: TTXVN) |
Trong bài thuyết trình về ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Tham tán Lê Phú Cường đã nêu bật những đặc điểm của ngành với sự phát triển lớn mạnh đầy tiềm năng, trong đó có sự góp sức của hơn 5.000 doanh nghiệp. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người và lực lượng lao động trẻ chiếm đa số, Việt Nam đã thành công trong kế hoạch xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê và nhiều loại hoa quả tươi chất lượng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông sản năm 2023 đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2022. Mặc dù các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ trong năm 2023 đều giảm, riêng thị trường châu Á lại tăng 6,8% đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Những mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Malaysia nhiều nhất là chè, cà phê, hạt tiêu, gạo, trong đó mặt hàng gạo đang tăng nhanh chóng, với giá trị xuất khẩu trong năm 2023 đạt hơn 345 triệu USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Malaysia đã nhập khẩu gạo của Việt Nam với giá trị bằng cả năm 2023. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng trái cây tiềm năng của Việt Nam được thị trường Malaysia ưa chuộng như nhãn, vải, chanh leo, thanh long ruột đỏ…
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường thuyết trình về Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Đánh giá sau 5 lần tham gia hội chợ của năm 2024, Tham tán Lê Phú Cường bày tỏ phấn khởi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp sang Malaysia đồng hành cùng Thương vụ để giới thiệu sản phẩm. Cùng 10 doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống giới thiệu hơn 50 sản phẩm đến những nhà nhập khẩu và phân phối của Malaysia, ông chia sẻ Thương vụ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tìm đối tác và kết nối, giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường Malaysia và chia sẻ mục tiêu chung là đưa hàng Việt ra thế giới.
Đề cập đến chất lượng sản phẩm, Tham tán Lê Phú Cường lưu ý ngoài điều kiện tiên quyết của thị trường Hồi giáo là tiêu chuẩn halal, sản phẩm Việt ngày càng đạt được chất lượng cao hơn, bao bì, nhãn mác với thông tin đầy đủ và bắt mắt, có mã QR để tra cứu, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm Việt không ngừng sáng tạo, luôn đổi mới về công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Có thể kể đến như sản phẩm phở khô và bún khô của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam mang nhãn hiệu VAFOOD, sử dụng công nghệ sấy lạnh tiên tiến của Nhật Bản để tạo ra các sản phẩm giữ nguyên hương vị như sản phẩm tươi hay hạt điều với nhiều hương vị mới như mật ong, cà phê, tỏi ớt của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hot Anuts.
Thám tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường (thứ ba từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp Việt tham gia Triển lãm và Hội nghị kinh doanh quốc tế Selangor 2024 (SIBS). (Ảnh: TTXVN) |
SIBS, là sự kiện thường niên và được mong đợi của doanh nghiệp, là nền tảng cơ bản nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện kết nối, thể hiện sự sáng tạo và mở rộng mạng lưới kinh doanh khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2023 đã mang lại giá trị giao dịch tiềm năng lên đến 4 tỷ USD. Năm 2024, với hơn 650 quầy triển lãm thực phẩm và đồ uống bên cạnh các hội thảo về halal, thành phố thông minh, kinh tế số…, SIBS kỳ vọng sẽ đón khoảng 12.000 lượt khách tham quan đến từ 18 nước, trong đó có Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Kenya, Myanmar…/.