Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, từ tháng 5.2017 - tháng 1.2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, qua đó thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Từ năm 2014 - tháng 9.2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm còn thực hiện nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.
Các bị cáo sau đó tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros, từ đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư của ông Quyết cho biết, người thân của bị cáo này đã nộp thêm 23 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Tại giai đoạn điều tra và truy tố, ông Quyết được ghi nhận đã khắc phục hơn 189,5 tỉ đồng. Do vậy, tổng số tiền ông Quyết khắc phục là 212,5 tỉ đồng.
Vẫn theo luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, đến thời điểm này, ông Trịnh Văn Quyết đã nhận thức được sai phạm của bản thân, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc của cơ quan tố tụng.
Ông Trịnh Văn Quyết mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án.
Một điểm đáng chú ý trong vụ án này, đó là ở hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã chứng minh có hơn 30.000 nhà đầu tư đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS (lần bán ra ban đầu) của ông Trịnh Văn Quyết, với tổng giá trị thu về hơn 4.800 tỉ đồng.
Các cá nhân này đã bỏ một khoản tiền thật để mua cổ phiếu ROS mà không biết cổ phiếu đã bị nâng khống về giá trị, nên họ được xác định là bị hại của vụ án.
Do số vốn góp thực của Công ty Faros chỉ là gần 1.200 tỉ đồng, ông Quyết bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp ủy thác điều tra, Bộ Công an và Viện KSND tối cao cũng nhiều lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị các bị hại khai báo, tiến hành xác minh, lấy lời khai để xem xét, giải quyết.
Kết quả điều tra xác định có 133 trong tổng số hơn 30.000 bị hại đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS (bán ra lần đầu) với tổng giá trị khi mua hơn 2,2 tỉ đồng.
Tính đến hiện tại chỉ có 95 trong số 133 bị hại nêu trên có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhóm này đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu ROS (bán ra lần đầu) với giá trị mua gần 1,4 tỉ đồng.
Phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dự kiến kéo dài trong nhiều ngày. Thẩm phán Vũ Quang Huy được phân công làm chủ tọa phiên tòa. 6 kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên xử.
Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS, với tư cách là bị hại; đồng thời, triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Với số lượng người tham gia phiên tòa lớn nhất từ trước tới nay, TAND TP.Hà Nội bố trí một hội trường xét xử chính, một hội trường họp và một khu vực dựng rạp ngoài trời. Với 3 hội trường này, sức chứa tối đa có thể lên tới 2.500 người.
Theo bố trí, diễn biến phiên xử sẽ được truyền tải trực tiếp từ hội trường xét xử chính đến 2 hội trường còn lại thông qua màn hình tivi. Do đó, hệ thống đường truyền dữ liệu, âm thanh đã được chuẩn bị kỹ càng.
Tại mỗi hội trường, tòa cũng sắp xếp hệ thống máy tính hiển thị thông tin của hơn 30.000 bị hại, ngoài ra còn có danh sách in bằng giấy. Các nhà đầu tư tham gia phiên tòa có thể kiểm tra, đối chiếu thông tin qua 2 kênh này.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho thấy có khoảng 80 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.
Ngay tại hội trường xét xử chính, tòa trang bị hơn 50 máy tính xách tay để phục vụ luật sư trong quá trình tranh tụng.