Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, ở Việt Nam, quảng cáo khám chữa bệnh, thuốc, thực phẩm chức năng chủ yếu trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội.
Với các cơ quan truyền thông, dù rà soát rất kỹ, hạn chế được các sai sót nhưng phần lớn là quảng cáo lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng với thuốc, và Bộ TT-TT đã triển khai chiến dịch chấn chỉnh. Tuy nhiên, quảng cáo liên quan đến y tế trên mạng xã hội đang hết sức phức tạp.
Theo ông Lê Quang Tự Do, sự phức tạp của quảng cáo trên mạng xã hội liên quan đến vấn đề sức khỏe của người dân có 3 nhóm.
Thứ nhất là quảng cáo sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thứ hai, quảng cáo sản phẩm chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, hoặc đã được cấp phép nhưng quảng cáo không đúng nội dung được cho phép. Quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm giữa thuốc và thực phẩm chức năng.
Đặc biệt, để đạt được hiệu quả, các nhà quảng cáo còn mượn danh những người nổi tiếng để thu về lợi nhuận. Gần đây, có những quảng cáo mượn cả danh tiếng của y bác sĩ, người tu hành, linh mục…
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, có những nghệ sĩ quảng cáo… bị oan, họ không biết bản thân bị lợi dụng vì mục đích trục lợi. Minh chứng như nghệ sĩ Q.L, MC T.V bị cắt ghép hình ảnh, gắn giọng nói vào để quảng cáo sản phẩm
Bên cạnh đó, họ còn mạo danh của cơ quan báo chí lớn để tạo sự tin tưởng của người dân, gắn logo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào clip quảng cáo. Chèn hình ảnh MC nổi tiếng của VTV, miệng nói một kiểu nhưng nội dung phát ra theo quảng cáo. Điều này gây hiểu lầm rất nhiều cho người dân, người sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, các đại lý quảng cáo chạy theo KPI, lượt xem của người dùng mạng xã hội nên có chiều hướng buông lỏng, thậm chí một số nơi bất chấp làm kiếm tiền, nhất là các công ty, đại lý quảng cáo chạy quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới thì càng tệ hại hơn, càng không tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.
Chưa hết, không chỉ quảng cáo các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người mà còn tiền giả, vũ khí, buôn người… cũng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Theo ông Lê Quang Tự Do, bảo vệ sức khỏe người dân thì liên quan trực tiếp 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Nhưng khi có vấn đề liên quan đến quảng cáo về khám chữa bệnh, thuốc, an toàn thực phẩm không đúng thì dư luận phê phán Bộ TT-TT. Do đó, Bộ TT-TT chủ động gặp Bộ Y tế để bàn việc phối hợp.
Nhóm thứ 3 là những nghệ sĩ quảng cáo tiếp tay cho sản phẩm, thổi phồng chất lượng sản phẩm để nhận tiền từ các nhãn hàng, từ những người có ý đồ xấu. Vừa qua, Bộ TT-TT phối hợp một số đơn vị để xử lý những trường hợp này, có nghệ sĩ còn tỏ ra vui vẻ khi nộp phạt.
“Trong thời điểm TP.HCM bị phong tỏa vì dịch Covid-19, rất nhiều người không có vắc xin Covid-19 để tiêm, tìm mọi cách chữa bệnh thì có một nghệ sĩ quảng cáo chữa bệnh Covid-19 bằng giun đất. Khi nộp phạt thì nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật này vui vẻ chấp nhận. Họ không ngại chuyện nộp phạt vì số tiền nhãn hàng chi trả để họ quảng cáo cao hơn rất nhiều”, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, nói.
Kiên quyết xử lý
Với các quảng cáo trên các mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, đã có các biện pháp chấn chỉnh, hạn chế.
Liên quan đến nghệ sĩ quảng cáo, hiện nay, Bộ TT-TT đang phối hợp Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch để xây dựng quy trình xử lý các hành vi vi phạm của nghệ sĩ nếu vi phạm bộ quy tắc ứng xử. Theo đó, hình ảnh của nghệ sĩ quảng cáo sai phạm sẽ bị hạn chế trên báo, đài và các nền tảng truyền thông đại chúng.
Những quy định xử lý nghệ sĩ quảng cáo vi phạm sẽ được triển khai vào quý 4/2023. Theo ông Lê Quang Tự Do, những quy định này sẽ có tác dụng nhanh chóng, hạn chế những nghệ sĩ có suy nghĩ số tiền phạt chỉ là một phần nhỏ so với số tiền nhận từ đại lý quảng cáo.