Đồng thời, C03 đề nghị truy tố 34 bị can ở 3 nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, trong đó 20 bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 1 bị can bị đề nghị truy tố tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; 4 bị can bị đề nghị truy tố tội rửa tiền; 1 bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền; 4 bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; 4 bị can bị đề nghị truy tố cả 3 tội danh, trong đó có Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (xem danh sách bị can trên thanhnien.vn).
Lừa hơn 35.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng
Theo KLĐT, từ năm 2018 - 2019, bị can Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã phát hành 25 gói trái phiếu của 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP đầu tư Quang Thuận, Công ty CP đầu tư - phát triển Sunny World, và Công ty CP dịch vụ - thương mại TP.HCM) để chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông phát hành 3 gói trái phiếu, chiếm đoạt 24.969 tỉ đồng; Công ty CP dịch vụ - thương mại TP.HCM phát hành 20 gói, chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng; Công ty CP đầu tư - phát triển Sunny World phát hành 1 gói, chiếm đoạt 1.612 tỉ đồng và Công ty CP đầu tư Quang Thuận phát hành 1 gói trái phiếu, chiếm đoạt 1.500 tỉ đồng.
C03 xác định thủ đoạn phạm tội chính của các bị can trong việc tạo lập trái phiếu của 4 công ty, đó là thành lập công ty "ma" rồi thuê người đứng tên, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu... phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị can Lan còn giao cấp dưới phân bổ các công ty "ma" cho nhiều nhóm phụ trách, mỗi người quản lý từ 20 - 30 công ty. Có công ty, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sắp xếp từ 8 - 10 tỉ đồng/tháng để chi trả lương cho cá nhân được thuê, tùy vào vị trí.
Đến thời điểm khởi tố vụ án, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 1.470 công ty, trong đó có 46 công ty nước ngoài. Sau khi được thành lập, có 656 công ty "ma" được sử dụng để vay tiền tại SCB; hiện 435 công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nhóm nợ xấu không có khả năng thu hồi; có 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ VN ra nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài về VN thông qua SCB. Ngoài ra, có 50 công ty dùng để tạo lập, phát hành trái phiếu, và hàng trăm công ty được thành lập đứng tên tài sản... theo mục đích của Trương Mỹ Lan.
"Rửa" hơn 445.000 tỉ đồng tiền "đen"
Theo KLĐT, nhằm che giấu nguồn gốc và việc sử dụng bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được, để cắt đứt dòng tiền, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã rút tiền mặt trực tiếp tại SCB giao cho bị can Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của bị can Lan) để giao theo chỉ đạo của bị can Lan; rút tiền, chuyển tiền cho các tổ chức, cá nhân đứng tên, nộp tiền mặt vào các tài khoản theo chỉ định để trả nợ khoản vay, thanh toán thẻ tín dụng, chuyển tiền cho công ty, cá nhân… Hành vi này của bị can Lan và đồng phạm đã phạm vào tội rửa tiền, với số tiền 30.081 tỉ đồng chiếm đoạt của các nhà đầu tư trái phiếu.
Ngoài ra, C03 còn xác định bị can Lan cùng đồng phạm đã rửa tiền với số tiền 415.666 tỉ đồng từ nguồn "tham ô tài sản" của SCB. Cụ thể, sau khi tham ô số tiền này, bị can Lan đã chỉ đạo các bị can và người liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân. C03 xác định số tiền tham ô này được dùng 255.336 tỉ đồng chi trả cho các khoản vay tại SCB, chi thực hiện các dự án, rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị can Lan, trả cho các ngân hàng khác các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trả gốc và lãi trái phiếu…; chuyển ra nước ngoài 32.094 tỉ đồng của 29 giao dịch liên quan 9 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua các hợp đồng khống, hợp đồng vay nợ, hợp đồng tư vấn…; còn lại 128.234 tỉ đồng bị can Lan chỉ đạo dùng vào các mục đích khác.
Trong vụ án, C03 còn xác định bị can Chu Lập Cơ (chồng bị can Trương Mỹ Lan) đã giúp sức vợ "rửa tiền". Cụ thể, bị can Chu Lập Cơ mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán tại SCB. Từ ngày 1.1.2018 - 10.10.2022, bị can Lan chỉ đạo nhân viên nộp hơn 225 tỉ đồng vào 3 thẻ tín dụng của chồng. Trong tổng số tiền này, bị can Cơ đã dùng hơn 33 tỉ đồng để thanh toán các dịch vụ, mua sắm nữ trang, kim khí, đá quý… cho cá nhân và vợ trong quá trình sinh sống, lưu trú, đi lại tại VN, Hồng Kông, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý… Làm việc với công an, bị can Cơ thừa nhận biết vợ chỉ đạo nộp tiền vào tài khoản của mình để thanh toán các hoạt động trên và thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi rửa tiền với số tiền hơn 33 tỉ đồng.
Từ đó, C03 kết luận bị can Lan là người chủ mưu, cầm đầu tổ chức rửa tiền với tổng số tiền 445.747 tỉ đồng.
Chuyển trái phép hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới
Ngoài ra, C03 xác định bị can Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị can và người liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (tương đương 106.730 tỉ đồng).
Để chuyển trái phép số tiền này, bị can Lan đã giao bị can Trịnh Quang Công, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý ACUMEN, phối hợp những người liên quan và lãnh đạo SCB lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp; hợp đồng tư vấn; hợp đồng các khoản vay nợ giữa các công ty tại VN và công ty, tổ chức ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng khống này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về VN và tiền trả nợ được chuyển từ VN ra nước ngoài.
Cụ thể, C03 xác định từ ngày 27.10.2012 - 7.10.2022, 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ USD. Đồng thời, 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 3 tỉ USD. Bị can Lan khai, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về VN và tiền trả nợ được chuyển từ VN ra nước ngoài.
Vạn Thịnh Phát đề xuất khắc phục hơn 1.000 tỉ đồng
KLĐT thể hiện ngày 22.5.2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có văn bản đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Đồng thời, Vạn Thịnh Phát cam kết sử dụng gần 200 tỉ đồng của 2 công ty để khắc phục cho các nhà đầu tư trái phiếu.
Ngày 27.5.2024, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục có văn bản cập nhật tiến độ nộp tiền khắc phục hậu quả. Qua kiểm tra chứng từ xác định các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất chuyển 221 tỉ đồng vào tài khoản của C03.
Đối với số tiền 291 tỉ đồng trong các tài khoản được Vạn Thịnh Phát và các công ty tự nguyện xin sử dụng để khắc phục hậu quả, C03 duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển TAND TP.HCM xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Cơ quan điều tra cũng đã ra lệnh phong tỏa, kê biên nhiều tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan và các bị can khác để khắc phục hậu quả vụ án.