Năm 2019, Cục Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được phân bổ 179 tỉ đồng từ ngân sách để mua sắm vật tư, thiết bị cho các đơn vị. Cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu cấp dưới phải rút ra 50 tỉ đồng. Thực hiện chỉ đạo, cấp dưới của ông Sơn đề nghị các nhà thầu nâng giá trang thiết bị, sau đó chuyển lại 50 tỉ đồng.
Nhận tiền, ông Sơn mời 4 thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tới, chia thành 5 phần, mỗi người 10 tỉ đồng, gồm các ông: Hoàng Văn Đồng, cựu trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Doãn Bảo Quyết, cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Phạm Kim Hậu, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bùi Trung Dũng, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Thoát án tử nhờ nộp lại tiền tham ô
Ngày 29.6, Tòa án Quân sự thủ đô tuyên án sơ thẩm, xác định 7 bị cáo đều phạm tội tham ô tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự như viện kiểm sát truy tố, nhưng quyết định cho cả 7 người được hưởng mức án dưới khung hình phạt. Trong đó, ông Sơn bị tuyên 16 năm tù, ông Đồng 15 năm 6 tháng tù; các ông Hậu, Quyết và Dũng cùng 15 năm tù. Hai người còn lại là Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật, bị tuyên phạt 10 năm tù; Bùi Văn Hòe, cựu thượng tá, cựu Phó phòng Tài chính (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), 12 năm tù.
Việc 7 bị cáo được tuyên án thấp hơn khung truy tố khiến nhiều người đặt câu hỏi: Nếu phạm tội tham nhũng, khi nào bị cáo không bị tuyên án tử hình và điều kiện gì để được hưởng mức án thấp hơn khung hình phạt áp dụng?
Luật sư (LS) Nguyễn Thị Thúy (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, điều 5 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quy định 3 nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ. Trong số này, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.
Đối chiếu tinh thần trên của nghị quyết, người phạm tội bị truy tố với khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu muốn thoát mức án này thì phải đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ (tự mình hoặc tác động, thông qua gia đình, người thân, bạn bè…). Thứ hai là hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng (ví dụ chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà người phạm tội bị cáo buộc) hoặc lập công lớn (ví dụ giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…).
Ở vụ án xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 5 cựu tướng lĩnh bị cáo buộc chia nhau tham ô 50 tỉ đồng. Khi sự việc bị phát giác, cơ quan kiểm tra vào cuộc xác minh, cả 5 người đã khắc phục toàn bộ số tiền này. Vì vậy, họ được xác định đã nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, đồng thời quá trình điều tra đã hợp tác với cơ quan tố tụng để làm sáng tỏ vụ án nên không bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Có nhiều tình tiết giảm nhẹ
Về việc tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà viện kiểm sát truy tố, LS Trần Thị Tĩnh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết điều 54 bộ luật Hình sự quy định rõ các trường hợp người phạm tội được hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt áp dụng. Trong đó, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này.
Ngoài ra, tòa án còn có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là đồng phạm giúp sức trong vụ án, nhưng có vai trò không đáng kể.
Như vậy, để được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, người phạm tội cần đáp ứng điều kiện có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự. “Các tình tiết giảm nhẹ bắt buộc phải nằm trong số 22 tình tiết được liệt kê tại khoản 1 điều 51, quy định đóng khung như vậy nhằm đảm bảo sự chặt chẽ, tránh tình trạng tùy tiện hoặc áp dụng không chính xác”, LS Tĩnh nhấn mạnh.
Trở lại vụ án tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, bản án sơ thẩm của Tòa án Quân sự thủ đô ghi nhận 5 bị cáo Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Văn Đồng, Phạm Kim Hậu, Doãn Bảo Quyết và Bùi Trung Dũng có 3 tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 điều 51 bộ luật Hình sự. Những tình tiết này gồm: tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (nộp lại toàn bộ tiền tham ô); thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; gia đình có công với cách mạng). Do đó, cả 5 bị cáo đều đủ điều kiện để được áp dụng khoản 1 điều 54 bộ luật Hình sự như đã nêu.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hưng và Bùi Văn Hòe, tòa án xác định 2 người này thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi gì từ số tiền tham ô nên cần áp dụng khoản 2 điều 54 bộ luật Hình sự, bằng việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn điều luật mà bị cáo bị truy tố.