Ngày 23.8, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về một số vấn đề hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 29 năm 2015 của Chính phủ và định hướng xây dựng Nghị định thay thế.
Tại tọa đàm, nhiều công chứng viên cho rằng, cần xem xét lại về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên hiện nay. Theo ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM: "Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm cực rối, không rõ trong trường hợp nào được bảo hiểm".
Ông Hòa dẫn chứng có một phòng công chứng bị bị tòa tuyên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhưng lại không thuộc phạm vi được bảo hiểm. Lý do là trong hợp đồng thì chỉ khi nào công chứng là bị đơn thì mới được xem xét bảo hiểm. Còn nếu công chứng với vai trò là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải bồi thường thì không được công ty bảo hiểm bồi thường.
Ông Lê Ngọc Tình, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đều được các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Mức phí mua bảo hiểm từ 3 triệu - 30 triệu đồng/1 năm, tương đương mức bồi thường từ 500 triệu - 3 tỉ đồng/1 năm.
Hầu hết các văn bản công chứng ở các địa phương đều bảo đảm an toàn pháp lý. Số lượng vụ việc phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 0,01% văn bản bị khởi kiện ra tòa án. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khoảng hơn 12 tỉ đồng. Nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.
Luật Công chứng hiện hành quy định, đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Vấn đề là mua để phòng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, thì công chứng viên sẽ được bên bảo hiểm cùng đồng hành để việc bồi thường thiệt hại được nhanh chóng.
Muôn kiểu để từ chối bồi thường thiệt hại
Theo ông Tình, số tiền bỏ ra để mua bảo hiểm hằng năm không hề nhỏ, mỗi công chứng viên mua bảo hiểm thấp nhất là 3 triệu đồng/năm, trong khi có tới hơn 3.370 công chứng viên. Có phòng công chứng đã bỏ ra đến hàng trăm triệu đồng để mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.
"Thế nhưng thực tế hầu như chưa có trường hợp nào bảo hiểm chi trả bồi thường thiệt hại. Việc này ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi đến với công chứng để trao gửi những hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn", ông Tình nêu.
Các hợp đồng bảo hiểm thường quy định về phạm vi bảo hiểm trong quy tắc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng, thì chỉ những chi phí và tổn thất "liên quan tới hành động sai sót, bất cẩn của người được bảo hiểm trong quá trình các công việc chuyên môn được quy định trong giấy chứng nhận bảo hiểm/hợp đồng bảo hiểm, với điều kiện đã được công ty bảo hiểm chấp thuận trước bằng văn bản".
Phạm vi bảo hiểm trên đã thu hẹp đáng kể so với những thiệt hại về vật chất gây ra do lỗi của công chứng viên trong thời hạn bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 điều 20 Nghị định 29 năm 2015.
Trong các điểm loại trừ trách nhiệm bồi thường của một công ty bảo hiểm có quy định sẽ không bồi thường cho người được bảo hiểm đối với các yêu bồi thường phát sinh từ việc "không tuân thủ pháp luật Việt Nam".
Do đó, tình huống thường xảy ra đối với công chứng viên là mình đã tuân thủ đúng thủ tục công chứng và quy định pháp luật khi công chứng, nhưng sau đó phát hiện giả mạo chủ thể, giấy tờ giả dẫn đến kiện tụng, tranh chấp. Văn bản công chứng sau đó bị tòa án tuyên vô hiệu, người bị thiệt hại kiện công chứng viên đòi bồi thường. Lúc này, các công ty bảo hiểm đã viện dẫn quy định trên để cho rằng công chứng viên đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Do đó, công ty bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.
Ngoài ra, các mẫu hợp đồng bảo hiểm thường quy định rất khó có khả năng thực hiện như tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên phải nhận biết một tình huống có khả năng dẫn đến khiếu nại yêu cầu bồi thường và thông báo ngay cho bảo hiểm thì mới được chấp nhận... Như vậy, có thể thấy là các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm rộng hơn rất nhiều so với các trường hợp không được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bảo hiểm, và bồi thường thiệt hại theo khoản 2 điều 21 Nghị định 29.
Cần phải xem xét lại hiệu quả của mua bảo hiểm
"Các nhà làm luật của Việt Nam cần đánh giá lại hiệu quả của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Bởi thời gian qua hầu như chưa có trường hợp công chứng viên, hoặc tổ chức hành nghề công chứng được bảo hiểm bồi thường khi xảy ra vấn đề trong quá trình hành nghề", ông Tình đề nghị.
Để tránh việc bên bán bảo hiểm đưa ra điều khoản tạo lợi thế cho mình, hoặc thiếu tính khả thi trong việc chi trả tiền bồi thường của công ty bảo hiểm, ông Tình đề xuất, dự thảo luật Công chứng cần giao cho Chính phủ quy định "mẫu hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên" và "mẫu quy tắc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên".
Ngoài ra, cũng theo Phó trưởng phòng Công chứng số 2, cần bổ sung quy định cho phép Hiệp hội công chứng viên Việt Nam thành lập quỹ hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho công chứng viên. Từ đó huy động sự chung tay đóng góp của công chứng viên cả nước với tỷ lệ đóng tùy thuộc vào mức thu nhập/doanh thu của từng công chứng viên.
Quỹ sẽ giúp hỗ trợ bù đắp tổn thất do công chứng viên gây ra trong trường hợp bảo hiểm chi trả không đủ và công chứng viên cũng không có đủ khả năng tài chính để bồi thường.