Mở rộng điều tra, Công an H.Hóc Môn bắt khẩn cấp Điền Anh Tuấn, là người đã gửi số giấy tờ giả cho Thiên.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai nhận được 1 người tự xưng là "Mai-cồ" (không rõ lai lịch), quen trên mạng xã hội Facebook, thuê đến chợ Bavet tại Campuchia để nhận tài liệu giả về giao cho những người ở TP.HCM theo thông tin về số điện thoại và địa chỉ mà người này cung cấp, với giá 600.000 đồng cho một túi hồ sơ.
Trung bình mỗi ngày, Tuấn gửi từ 1 đến 4 túi hồ sơ. Mỗi túi hồ sơ có từ 50 đến 100 loại tài liệu, giấy tờ giả khác nhau về Bến xe An Sương (H.Hóc Môn) để đi phân phối cho những người khác là môi giới tại TP.HCM và địa phương lân cận để vận chuyển đến khách hàng.
Trần Chu Thiên là nhân viên shipper, là một trong các đầu mối nhận giấy tờ giả do Tuấn gửi. Sau khi nhận hàng từ Tuấn, Thiên đóng gói các giấy tờ giả theo từng đơn hàng nhỏ rồi chở đến bưu cục gửi giao hàng nhanh đến các cá nhân đặt mua.
Từ kết quả đấu tranh chuyên án, Công an H.Hóc Môn nhận thấy hiện đang tồn tại 1 đường dây mua bán, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có tính chất xuyên quốc gia, diễn ra với quy mô lớn do một số người Việt Nam ở Campuchia (nhóm Mai-cồ, F0) điều hành.
Những người này tiến hành móc nối, xây dựng hệ thống chân rết tại TP.HCM (F2) để đưa các tài liệu giả được sản xuất tại Campuchia về gửi cho khách đặt mua qua các hệ thống giao hàng nhanh. Đồng thời, chúng thuê người vận chuyển hàng ở Tây Ninh (F1) để lấy các tài liệu giả từ Campuchia về gửi cho nhóm người F2 đã móc nối trước đó đưa đi tiêu thụ.
Tất cả nhóm người thuộc F1 và F2 hoạt động độc lập, không liên lạc hay biết mặt nhau và chỉ "nhận hàng" qua sự điều hành chung của nhóm người cầm đầu Mai-cồ (F0) nhằm "cắt đuôi" sự theo dõi của cơ quan chức năng cũng như xây dựng chân rết mới khi có đồng bọn bị bắt.
Toàn bộ số tiền thu hộ từ việc bán giấy tờ giả và thanh toán, chi trả cho các nhóm người này đều được thực hiện qua các tài khoản ảo do chúng lập ra. Vụ việc đang được Công an H.Hóc Môn tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.