TTO - Mặc dù đã được quy định từ lâu trong Bộ luật Hình sự nhưng hầu như rất hiếm có trường hợp bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng. Hành vi này chủ yếu bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc được phân xử trong các vụ tranh chấp dân sự.
Ông Lê Thanh Thản - Ảnh: TL
Đại gia Lê Thanh Thản bị khởi tố tội "lừa dối khách hàng" khi bán nhà cho cư dân nhưng không làm được sổ đỏ khiến quyền lợi của cư dân bị xâm phạm. Hành vi lừa dối này được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và trong các bộ luật trước đó.
Rất hiếm khi khởi tố tội danh này
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - viện trưởng VKSND quận 3, TP.HCM - cho biết tội danh này đã được quy định trong các BLHS trước đó: Điều 170 Bộ luật hình sự năm 1985, điều 162 BLHS 1999 và hiện nay là điều 198 BLHS 2015.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như hành vi lừa dối khách hàng rất ít khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do không nắm được số liệu toàn quốc nhưng việc khởi tố bị can tội "lừa dối khách hàng" là rất ít, thậm chí rất hiếm. Trong khi đó, theo quy định của tội lừa dối khách hàng trong BLHS thì hành vi này diễn ra khá phổ biến.
Theo quy định của điều luật này, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, với tội lừa dối khách hàng, hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo phân tích của bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, chủ thể của tội phạm này là những người tham gia vào quá trình mua bán và thường là người bán mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Để thực hiện thủ đoạn gian dối, người phạm tội có thể thực hiện một trong các hành vi như: cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc có những hành vi khác lừa dối khách hàng.
Đồng tình với bà Nhuệ, ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng VKSND quận 8, TP.HCM - cũng cho rằng tội danh này ông chưa từng ghi nhận đã được xét xử hay khởi tố ở TP.HCM.
"Hành vi lừa dối khách hàng phổ biến nhưng có lẽ do ranh giới giữa hình sự và dân sự mong manh nên các cơ quan tố tụng để các đương sự giải quyết theo hướng dân sự". Ông Chung nói.
"Hơn nữa, trong các giao dịch hằng ngày thường giá trị không lớn hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố nên dù người bán hàng có sai nhưng không bị xử lý, hoặc do khách hàng thấy phức tạp nên cũng chẳng tố cáo", bà Nhuệ cho biết.
Hình phạt cao nhất đến 5 năm tù
Như phân tích ở trên, hành vi lừa dối khách hàng, "cân điêu, bán thiếu" hoặc bán sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết gây ra thiệt hại cho khách hàng là nhữnh hành vi cấu thành tội lừa dối khách hàng. Do vậy, có thể trong thời gian tới sẽ có nhiều vụ tương tự bị xử lý.
Một vị thẩm phán tại TP.HCM phân tích việc khởi tố tội lừa dối khách hàng cần phải có hậu quả bắt buộc là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, làm cho khách hàng mất một phần số lượng hàng hoá hoặc hàng hoá không bảo đảm chất lượng.
Đối với tội lừa dối khách hàng, hậu quả thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu chưa gây hậu quả nêu trên, người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.
Cũng theo quy định của điều luật, hành vi lừa dối khách hàng có mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù và bị phạt tiền đến 500 triệu đồng.
Nguồn : tuoitre.vn
Đang gửi...