TTO - CSGT đã mời người vi phạm đến xử lý nhưng hầu hết không đến, không thừa nhận hành vi nên không ra quyết định xử phạt được.
Một ôtô vi phạm giao thông khi chạy vào làn đường xe máy ngay dưới camera giám sát giao thông tại khu vực cầu Sài Gòn, quận 2, TP.HCM ngày 10-7- Ảnh: TỰ TRUNG
Dù hàng chục ngàn ôtô vi phạm giao thông được hệ thống camera ghi lại, cơ quan cảnh sát giao thông TP.HCM trích xuất để gửi về cho người vi phạm, yêu cầu đóng phạt nhưng số lượng chủ xe nộp phạt chiếm tỉ lệ rất thấp.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, hơn 80% trường hợp vi phạm trốn phạt nguội (phạt qua camera), với nhiều lý do như không nhận được thông báo, xe cho thuê, thời hạn xử phạt hành chính hết hiệu lực...
Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chưa thể mạnh tay với những trường hợp trốn phạt do chưa có cơ chế pháp lý, thiếu biện pháp chế tài đủ sức răn đe.
“Vừa rồi tôi có thời gian làm việc tại Quảng Châu (Trung Quốc), thấy cách họ phạt nguội rất nghiêm. Đó là tên người vi phạm sẽ bị đưa lên báo và mạng. Người vi phạm nếu không đến nộp phạt đúng hẹn, càng để lâu tiền phạt càng bị nhân lên. Luật pháp và thực hiện nghiêm thì không ai dám không nộp phạt.
Ông TRẦN HOÀI (tài xế ở TP.HCM)
"Mắt thần" không... linh!
Thông tin từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết hiện có hơn 2.000 camera lắp đặt ở nhiều tuyến đường nhằm giám sát, làm căn cứ phạt nguội vi phạm giao thông. Hệ thống "mắt thần" được kỳ vọng sẽ khiến cho các chủ xe hạn chế vi phạm Luật giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua việc xử phạt nguội kém hiệu quả.
Theo trung tá Nguyễn Văn Bình - đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, chỉ tính riêng từ ngày
16-11-2018 đến nay, đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (chưa tính 16 đội thuộc phòng) đã phát hiện 31.295 trường hợp nhưng chỉ xử phạt được 5.722 trường hợp (hơn 18%).
Những trường hợp còn lại, dù CSGT đã mời người vi phạm đến xử lý nhưng hầu hết không đến, không thừa nhận hành vi nên không ra quyết định xử phạt được.
Ngoài ra, một khó khăn nữa là hệ thống giám sát hiện tại chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm, chưa rộng khắp. Do đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã tung quân đi khắp các nẻo đường để trực tiếp quay hình vi phạm giao thông. Dù vậy, lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm qua camera.
Theo trung tá Bình, nhiều chủ xe nhận được thông báo vi phạm qua hình ảnh nhưng vẫn lảng tránh, không đến cơ quan chức năng để chấp hành quyết định xử phạt. "Thậm chí, một số trường hợp không thừa nhận vi phạm, đưa ra lý do xe cho thuê, đã bán cho người khác để thoái thác trách nhiệm dù cơ quan chức năng đã đưa ra bằng chứng" - ông Bình cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ xe không đồng tình với việc xử phạt qua camera với lý do chỉ chấp hành đóng phạt khi nào CSGT "bắt quả tang" hành vi vi phạm và lập biên bản tại chỗ!
"Trích xuất camera không thể xác minh chính xác ai đang lái xe, rất khó chứng minh vi phạm. Chủ xe không có trách nhiệm đến nhận biên bản xử phạt, cũng như không đóng phạt" - ông M., chủ một ôtô, nói.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP phối hợp Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông hầm vượt sông Sài Gòn kiểm tra và xử lý những xe chạy sai luật - Ảnh: TỰ TRUNG
"Bó tay" nếu người vi phạm không đến
Trong khi đó, nhiều chủ xe khẳng định không hề biết đã vi phạm và bị camera ghi lại. Theo anh Nguyễn Minh Trung (Q.Phú Nhuận) - tài xế chạy Grab, khi vào cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM mới đây, anh mới giật mình phát hiện trong danh sách xe vi phạm được đăng tải tại đây có xe của mình với 8 lần vi phạm.
"Hầu hết là chạy quá tốc độ, dừng đậu không đúng nơi quy định... nhưng từ trước tới nay tui không nhận được thông báo vi phạm nào" - anh Trung cho biết.
Anh Nhẫn - một chủ xe chuyên cho thuê xe du lịch tự lái - cũng cho biết chỉ đến khi đi đăng kiểm xe, anh mới phát hiện xe mình nằm trong danh sách vi phạm nhiều lần với tổng số tiền phạt phải đóng lên đến hàng chục triệu đồng!
"Nhà nước chỉ quy định xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm Luật giao thông. Tôi không lái xe nên không đóng phạt. Khi nào cơ quan chức năng có đủ bằng chứng chứng minh tôi ngồi trong xe cầm lái thì tôi chấp hành nộp phạt. Việc trung tâm đăng kiểm từ chối đăng kiểm xe vi phạm giao thông cũng bất hợp lý, ảnh hưởng đến nhu cầu lưu thông an toàn của người dân" - anh Nhẫn nói (!).
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết sau khi trích xuất camera xác định xe vi phạm, đơn vị sẽ lập tức gửi thông báo cho chủ xe.
Việc không nhận được quyết định xử phạt là do chủ xe thay đổi chỗ ở hoặc đã qua đời, đang thụ án, thi hành nghĩa vụ quân sự, chưa kể việc mua bán xe nhưng không sang tên đổi chủ hiện cũng khá phổ biến... Với các trường hợp này, rất khó xác minh và gửi thông báo đến địa chỉ chính xác.
Cũng theo vị này, do nhiều chủ xe không chấp hành việc xử phạt khiến việc tổ chức phạt nguội gặp nhiều khó khăn, trong khi đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả hơn.
Trả lời câu hỏi vì sao không cưỡng chế và có giải pháp với những trường hợp cố tình không đến chấp hành xử phạt, vị này cũng cho biết không thể chuyển danh sách xe đến các trung tâm đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm xe vì chưa đủ tính pháp lý.
"Những trường hợp đã gửi nhiều lần, gửi thông báo nhưng chủ xe không đến chấp hành quy định xử lý, CSGT mới được phép gửi thông báo sang Cục Đăng kiểm Việt Nam để không thực hiện đăng kiểm. Quá trình này quá mất thời gian, sau khi nộp phạt, xe lại được đăng kiểm bình thường nên nhiều chủ xe "nhờn luật", thậm chí không chấp hành" - vị này nói.
Nguồn: CA TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH
Cần có quy định riêng
Cơ quan CSGT thừa nhận việc đóng phạt nguội dựa trên tinh thần tự nguyện chưa đem lại hiệu quả trong thực tế, nên cần có chế tài hoặc quy định rõ ràng để người vi phạm bắt buộc đến nộp phạt.
Đại úy Trần Minh Thức - phó đội trưởng đội chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông - cho biết đã có trường hợp khi bị Cục Đăng kiểm từ chối đăng kiểm cho các xe trốn phạt nguội, các chủ xe bức xúc gửi văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản và cơ quan này đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT dừng việc áp dụng biện pháp không đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội.
Để nâng cao hiệu quả phạt nguội, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt triển khai phối hợp với công an địa phương là nơi đăng ký xe vi phạm để chuyển thông báo vi phạm và nhắc nhở người dân chấp hành thông báo vi phạm theo quy định. Nếu chủ xe đã chuyển đổi nơi ở hoặc có bất cứ thay đổi gì thì địa phương thông tin lại để có hướng xử lý.
Với các xe do doanh nghiệp kinh doanh vận tải là chủ sở hữu, một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết cơ quan này sẽ mời đại diện doanh nghiệp đến trụ sở Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phối hợp nhận thông báo vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp chuyển đến tận tay tài xế của doanh nghiệp mình, có trách nhiệm đôn đốc tài xế đóng phạt theo quy định.
"Các chủ xe, chủ doanh nghiệp có thể kiểm tra danh sách xe vi phạm tại địa chỉ trang web csgt.catphcm.bocongan.gov.vn" - vị này nói.
Sẽ phủ sóng "mắt thần" các đường nhỏ
Ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM - cho biết hệ thống camera toàn TP.HCM gồm 762 camera giám sát giao thông, 136 camera đo đếm lưu lượng chuyên dụng trên 78 tuyến đường chính.
Thời gian tới sẽ đầu tư thêm camera ở cửa ngõ, các tuyến đường trọng điểm kiểm soát xe ra vào đường cấm, giờ cấm, một số khu vực dừng đỗ không đúng quy định nhằm hỗ trợ lực lượng CSGT dễ dàng phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm cố tình luồn lách vào những tuyến đường nhỏ tránh sự giám sát.
Nguồn : tuoitre.vn
Đang gửi...