Tạm dừng để bị hại kiểm tra thông tin
Sau khoảng 1 giờ đại diện viện kiểm sát cùng luật sư tham gia xét hỏi, hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa. Lý do, tòa tạo điều kiện để một số bị hại kiểm tra thủ tục, rà soát lại thông tin cá nhân cũng như số tiền bị chiếm đoạt.
Vụ án này có đến 6.630 nhà đầu tư được xác định là bị hại. Họ là những người từng mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 8.600 tỉ đồng.
Trong ngày đầu tiên diễn ra phiên tòa, hội đồng xét xử cho biết chỉ có 987 bị hại có mặt theo giấy triệu tập. Quá trình xét xử, tòa cho trình chiếu danh sách các bị hại, thông tin gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tiền đã đầu tư mua trái phiếu.
Theo danh sách được công khai, các bị hại phần lớn đến từ Hà Nội, ngoài ra còn có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình… Số tiền họ đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh thấp nhất là 10 triệu đồng, có người lên tới hơn 20 tỉ đồng.
Trình bày tại tòa, phần lớn bị hại đều bày tỏ mong muốn được nhận lại tiền ngay khi kết thúc phiên xử. Một số còn đề nghị được trả cả tiền lãi, vì số tiền họ đầu tư là "tiền tích cóp cả đời", bị "mắc kẹt" nhiều tháng qua.
Cáo trạng cho thấy, do tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định (thực tế được tạo dựng, "chạy" dòng tiền khống), Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại là doanh nghiệp lớn và có thương hiệu, hàng ngàn nhà đầu tư (phần lớn không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp) đã ký hợp đồng đầu tư để trở thành chủ sở hữu 9 gói trái phiếu.
Sau khi thu về gần 14.000 tỉ đồng từ việc bán trái phiếu, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng số tiền này để trả nợ, mua cổ phần, chi tiêu cá nhân… không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu. Trong đó, hơn 5.100 tỉ đồng là tiền của nhà đầu tư sau được dùng để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.
Tòa sẽ xem xét việc trả tiền cho nhà đầu tư
Trở lại diễn biến phiên tòa, luật sư của một số bị hại đặt câu hỏi với Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, rằng với khoản tiền hơn 8.600 tỉ đồng đang bị tạm giữ, bị cáo có đề nghị hội đồng xét xử trả ngay lại cho các nhà đầu tư và có cam đoan sẽ không kháng cáo khiếu nại gì không?
Trước câu hỏi này, ông Dũng định trả lời nhưng bị hội đồng xét xử ngắt lời, cho rằng "hội đồng xét xử mới là người xem xét, quyết định", đồng thời đề nghị luật sư đặt câu hỏi khác.
Hôm qua 19.3, khi trả lời thẩm vấn của tòa, ông Dũng cho biết sau khi bị khởi tố và bắt tạm giam, bị cáo viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình khắc phục hậu quả.
Chỉ trong hơn 1 năm, bị cáo đã nộp để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng, thậm chí thừa khoảng 1 tỉ đồng so với thiệt hại bị cáo buộc.
Thông tin thêm, luật sư bào chữa cho ông Dũng cho hay, trước khi phiên tòa mở, luật sư đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, và lập biên bản ghi nhận ý kiến của bị cáo này.
Trong biên bản, ông Dũng bày tỏ sự tôn trọng và xác nhận phần lớn nhận định của cơ quan điều tra và viện kiểm sát là chính xác, đúng với diễn biến vụ án, hành vi của bị cáo.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định khi ra chủ trương phát hành trái phiếu "không có ý thức, mục đích lợi dụng việc này để lấy tiền của người dân", luôn xác định họ là nhà đầu tư chiến lược, nếu không có họ thì phương án kinh doanh của tập đoàn khó có thể thành công.
Dù không có ý định lừa tiền của người mua trái phiếu như đã nêu, nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Dũng ý nhận thức được việc làm của mình không được pháp luật cho phép. Vì thế, bị cáo rất ăn năn hối hận, tích cực tác động để gia đình nộp hơn 5.600 tỉ đồng, cộng với gần 3.000 tỉ đồng bị tạm giữ, để khắc phục toàn bộ hậu quả.