Theo điều 3 luật Căn cước quy định, căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người. Còn thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của luật này.
Theo đó, sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác (ADN, giọng nói, mống mắt...).
Làm thẻ căn cước ở đâu?
Theo điều 27 luật Căn cước, quy định người dân làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại:
Cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công dân cư trú.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
Theo điều 26 luật Căn cước, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Thẻ căn cước có thời hạn bao lâu?
Theo điều 21 luật Căn cước, quy định về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước như sau:
Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước, có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.