
Cạnh tranh doanh số giữa các sàn TMĐT đang diễn ra gay gắt với sự vươn lên nhanh chóng của TikTok Shop
ẢNH: T.N
TikTok Shop thu hẹp khoảng cách với Shopee
Theo thống kê mới nhất vừa được phát hành bởi Metric, đơn vị chuyên phân tích thương mại điện tử (TMĐT), diễn biến trên thị trường mua sắm online thông qua các sàn TMĐT đang có sự chuyển biến mạnh từ đầu năm đến nay. Từ tháng 4.2025, sàn TMĐT Sendo chuyển sang mô hình siêu thị online Sendo Farm, trong khi Shopee tăng phí sàn cho người bán thường và dừng gói Freeship Xtra, thay bằng mã miễn phí vận chuyển giới hạn cho người mua. Thống kê doanh số các sàn trong quý 1/2025 đạt 101.400 tỉ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024; sản lượng: 950,7 triệu sản phẩm, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị phần các sàn TMĐT, TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh 113,8% so với cùng kỳ, nâng thị phần từ 23% lên 35%, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm giải trí qua video ngắn. Shopee cũng tăng trưởng 29,3%, nhưng thị phần lại giảm từ 68% còn 62%, điều này cho thấy sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Cuộc đua khốc liệt cũng khiến cho Lazada và Tiki lần lượt mất 43,5% và 66,6%. Sự dịch chuyển nhanh chóng của người tiêu dùng sang nền tảng nội dung như TikTok Shop là xu hướng quan trọng cho các sàn trong việc định hướng phát triển sắp tới.
Trong ngành hàng bách hóa - thực phẩm, Ensure vẫn dẫn đầu doanh số thương hiệu với 217 tỉ đồng nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng âm 5,4%. Ngược lại, các thương hiệu nội địa như TH True Milk tăng 57,3%, Vinamilk tăng 46%.
Các chuyên gia của Metric kết luận, quý 1 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhóm hàng sức khỏe với nhiều thương hiệu và shop đạt mức tăng trưởng cao. Smilee dẫn đầu với doanh số 57,1 tỉ đồng, tăng 1037,6%, theo sau là Brushie và Codeage đều tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy người dùng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân và thực phẩm bổ sung. Về phía các shop, 4/5 shop top đầu đều thuộc nền tảng TikTok Shop, phản ánh rõ xu hướng chuyển dịch mua sắm sang kênh video ngắn kết hợp thương mại.
Chủ shop nhỏ rút lui
Cuộc cạnh tranh giữa các sàn TMĐT đầy căng thẳng nhưng ngay chính những người bán cũng phải cạnh tranh để tồn tại. Thị trường đang phân hóa rõ nét khi các nhà bán lớn mở rộng quy mô, trong khi các shop nhỏ lẻ dần rời bỏ thị trường. Quý 1 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số lượng shop có phát sinh đơn hàng, giảm hơn 38.000 shop so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số lượng shop đạt doanh số cao lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhóm shop có doanh số trên 50 tỉ tăng gần gấp đôi (95%) so với quý 1/2024. Điều này cho thấy số lượng shop nhỏ lẻ đã tính đường rút lui, nhường sân chơi cho các nhà bán lớn với quy mô và năng lực vận hành tốt hơn.

Mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số shop, nhưng các mall lại đóng góp đến 26,7% tổng doanh số trên Shopee và TikTok Shop
ẢNH: METRIC
Về phía người tiêu dùng cũng đang dần nghiêng về các mall (shop lớn) chính hãng để đảm bảo chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của dịch vụ, biến nhóm này thành động lực tăng trưởng trọng yếu của sàn TMĐT. Minh chứng là mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số shop, nhưng các mall lại đóng góp đến 26,7% tổng doanh số trên Shopee và TikTok Shop. Tăng trưởng doanh số của shop Mall trên cả hai nền tảng đều cao, xu hướng mua sắm đang dịch chuyển mạnh về phía các thương hiệu có uy tín và tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe, đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan.
Thêm một sự cạnh tranh gay gắt nữa đang diễn ra trên các sàn TMĐT là sự lấn lướt của nhóm hàng nhập khẩu. Trên Shopee, nhóm hàng nhập khẩu đang gia tăng cạnh tranh với nhà cung cấp nội địa nhờ vào lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng và phù hợp với nhu cầu khách hàng trong nước. Số liệu thống kê cho thấy trong quý 1, hàng nhập khẩu đạt doanh số 3.600 tỉ đồng với hơn 80 triệu sản phẩm bán ra, tăng trưởng 12,2% về doanh số và 7,18% về sản lượng. Dù chỉ chiếm 5,9% tổng thị phần, nhóm này vẫn hút khách nhờ lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng và phù hợp thị hiếu khách hàng trong nước. Xu hướng này đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nhà bán nội địa, đặc biệt ở nhóm sản phẩm phổ thông. Điều này đặt ra thách thức cạnh tranh lớn hơn cho nhà bán trong nước, buộc họ phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược định giá. Dự báo trong quý 2/2025, doanh số các sàn TMĐT sẽ đạt 116.600 tỉ, tăng trưởng 15% so với quý 1/2025.