Sáng ngày 25/11, TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lễ Công bố được tổ chức nhằm công khai thông tin về Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 vừa qua.
Nội dung Quy hoạch nêu rõ quan điểm, mục tiêu và phương hướng phát. triển của thành phố đến cuối thời kỳ quy hoạch cũng như tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đã được Bộ Chính trị ban hành về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW. Cùng với đó, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực của thành phố, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay thời gian qua địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã xây dựng. Cụ thể, kinh tế thành phố tiếp tục được phục hồi dù vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Theo ông Chinh, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của thành phố. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng.
“Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận và mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố. Tính đến ngày 15/11/2023, thành phố cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 47.000 tỷ đồng, thu hút gần 200 triệu USD vốn đầu tư FDI”, ông Chinh thông tin.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn nhận quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng, tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế – xã hội với các trụ cột kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Đồng thời, địa phương sẽ phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, giá trị giá tang. Phát triển Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn gồm cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
“Để đạt được những mục tiêu tham vọng này không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công tác triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Đà Nẵng khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Trong đó, rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội.
Đồng thời, Đà Nẵng cần nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá, tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Trong đó, ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tiếp đến, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa lớn, gồm các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Cùng với đó là các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông kết hợp đô thị (TOD), hạ tầng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp), hạ tầng xã hội, công nghệ thông tin cấp thiết, các dự án phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, đảm bảo quốc phòng – an ninh…
“Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Trong đó, tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán dẫn, nhân lực số, dịch vụ logistics, cảng biển. Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống đẳng cấp quốc tế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, đẩy mạnh đầu tư vào việc bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái.
Cuối cùng, địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Trong khuôn khổ Lễ công bố cũng có hoạt động trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 07 dự án. Trong đó, dự án có vốn đầu tư trong nước (01 dự án tăng vốn đầu tư) và 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trong thời gian qua trên địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 9,3 nghìn tỷ đồng.
Theo mục tiêu của Quy hoạch, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Đà Nẵng cũng sẽ là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của cả nước, là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á, đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống,… Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11-12%/năm. Đến năm 2030, dân số thành phố khoảng 1,56 triệu người, tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 66%. Về kết cấu hạ tầng, đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%,… |