Bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu

00:00 - 28/11/2023

Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống giá cả tăng cao kéo dài trong suốt 2 năm qua của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Theo báo The Wall Street Journal, việc mức tăng trưởng giá tiêu dùng giảm xuống dưới 5% ở Anh, 3% ở Mỹ và khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) vừa qua đang làm tăng kỳ vọng về khả năng các ngân hàng trung ương có thể ngừng chu kỳ tăng lãi suất ngay trong năm 2024.

Những tín hiệu đáng mừng

Lạm phát được thúc đẩy bởi các gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỉ USD của chính phủ Mỹ cũng như nhu cầu bị dồn nén và các khoản tiết kiệm mà người dân tích lũy trong thời gian đại dịch Covid-19. Theo các nhà kinh tế, đây chính là lý do tại sao lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao trong suốt gần 4 năm qua kể từ khi đại dịch bắt đầu và đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng trung ương buộc phải liên tục tăng lãi suất để giảm lạm phát.

Tuy nhiên, lạm phát giảm trên khắp các châu lục gần đây cho thấy khi các yếu tố đẩy giá lên cao ngay từ đầu là đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tại Ukraine giảm bớt tác động, áp lực giá cả sẽ giảm theo một cách tự nhiên.

Hiện lãi suất chính phủ ở cả khu vực châu Âu và Mỹ đã giảm, giúp các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ diễn ra nhanh hơn. Theo báo cáo ngày 15.11 của Cơ quan Thống kê Anh, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 4,6% vào tháng 10 (thấp hơn so với mức 6,7% hồi tháng 9) và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10.2021. Chuyên gia kinh tế Bruna Skarica tại Ngân hàng Morgan Stanley đánh giá nước Anh không còn là quốc gia có tỷ lệ lạm phát quá cao nữa.

Bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu

Người mua sắm tại một ngôi chợ ở thành phố Nice (Pháp)

REUTERS

Trong khi đó, mức lạm phát của Mỹ cũng đã giảm hơn so với dự kiến, xuống còn 3,2% trong tháng 10. Eurozone cũng báo cáo mức lạm phát giảm từ 4,3% vào tháng 9 xuống còn 2,9% trong tháng 10. Tín hiệu đáng mừng khác là giá tiêu dùng ở Bỉ và Hà Lan đã thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Stefan Gerlach, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, phân tích lạm phát thấp hơn cho thấy hiệu quả của việc tăng lãi suất thêm 4 hoặc 5 điểm phần trăm. Ông đánh giá đây chắc chắn sẽ là một bước ngoặt đối với lạm phát và nhiều khả năng trong năm 2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất ở mức khoảng 1,5 điểm phần trăm.

Việc giảm giá tiêu dùng đã thuyết phục được một số nhà hoạch định chính sách châu Âu rằng cuộc chiến kiềm chế lạm phát đang trên đà thắng lợi, theo The Wall Street Journal. Trước cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) vào trung tuần tháng 11 tại Brussel (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu rằng: “Chúng ta đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát và trong vòng chưa đầy 2 năm nữa, châu Âu sẽ kiểm soát được lạm phát”.

Hiện các nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan hơn. Theo dữ liệu từ Công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khả năng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa xuân năm 2024 và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiến hành việc này vào mùa hè năm tới.

Chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc?

Vấn đề quan trọng hiện nay là liệu chu kỳ tăng lãi suất đã sắp kết thúc hay chưa? The Wall Street Journal dẫn lời các nhà kinh tế học cho biết các đợt tăng lãi suất vừa qua đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, đè nặng lên hoạt động cho vay và tiêu dùng. Quá trình tạo việc làm chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở cả châu Âu và Mỹ khiến cho tốc độ tăng trưởng mức lương giảm theo. Các hộ gia đình cũng hạn chế chi tiêu và ngày càng tiết kiệm hơn. Những điều này đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Theo số liệu công bố ngày 15.11 của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 0,1% trong tháng 10 so với hồi tháng 9 và là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, lạm phát cũng đang giảm do thị trường lao động ít biến động và chi tiêu tiêu dùng cho dù giảm nhưng ở mức ổn định. Điều này củng cố dự báo rằng áp lực giá sẽ tiếp tục giảm bớt mà không xảy ra suy thoái.

Bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu

Người mua hàng tại ngôi chợ ở Rome (Ý)

REUTERS

Ở châu Âu, bối cảnh kinh tế khó khăn hơn. Lục địa già hiện đang phải đối mặt với những cơn gió ngược đối với tăng trưởng từ việc thương mại toàn cầu chậm lại, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc – thị trường xuất khẩu quan trọng của châu Âu – không như kỳ vọng, cho đến việc các chính phủ đang cố gắng giảm bớt chi tiêu. Hơn nữa, các hộ gia đình châu Âu cũng miễn cưỡng hơn so với các hộ gia đình ở Mỹ trong việc chi tiêu tiền tiết kiệm thời đại dịch. Tất cả những điều này có thể thúc đẩy ECB phải cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Vẫn còn đó nhiều nỗi lo

Mặc dù thực tế cho thấy có nhiều triển vọng tích cực về việc các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong tương lai nhưng nhiều nhà kinh tế và đầu tư dự báo việc quay trở lại thời kỳ lãi suất cực thấp như trước đại dịch là khó xảy ra. Hơn nữa, các ngân hàng trung ương vẫn đang tỏ ra khá thận trọng vì tình hình lạm phát dai dẳng thời gian qua bất chấp các đợt nâng lãi suất liên tục. Tháng 10, Ngân hàng Trung ương Anh nhận định hiện còn quá sớm để tính đến khả năng cắt giảm lãi suất và dự báo sẽ chỉ đạt mức lạm phát mục tiêu 2% vào cuối năm 2025. Hơn nữa, nguy cơ giá năng lượng leo thang khi xung đột Hamas – Israel lan rộng ra các khu vực khác ở Trung Đông là rất lớn.

Những biến động địa chính trị trên thế giới hiện nay đang có tác động tiêu cực đến đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, áp lực về nhân khẩu học cũng đang ngày càng gia tăng. Trong những năm tới, lực lượng lao động ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc có thể sẽ giảm khi tỷ lệ dân số già ngày càng cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây cũng sẽ làm tăng chi phí khi xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước khác ngoài Trung Quốc ngày càng tăng cao.

Vì vậy, khả năng lãi suất dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong vòng một vài năm tới là rất lớn.

Trong suốt 2 năm qua, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã không ngừng nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. FED đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3.2022, còn Ngân hàng Trung ương Anh đã có 14 đợt tăng lãi suất liên tiếp kể từ cuối năm 2021.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Không gian lạ - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...