Theo South China Morning Post ngày 27.7 dẫn lời ông Lý, Trung Quốc đang đầu tư và xây dựng một trung tâm sản xuất và công nghệ khoảng 1 tỉ USD tại Tangier (phía tây bắc Ma Rốc) như một biểu tượng hợp tác song phương chất lượng cao trong khuôn khổ Vành đai và Con đường (BRI).
"Các công ty Trung Quốc hiện đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, pin xe điện và các lĩnh vực mới nổi khác của Ma Rốc, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng địa phương và sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô", ông Lý phát biểu tại trung tâm công nghệ ở Tangier.
Theo các nhà quan sát, các hiệp định thương mại tự do với cả châu Âu và Mỹ, vị trí địa lý giao thoa giữa châu Phi và châu Âu, cùng nguồn khoáng sản quan trọng dồi dào là những nguyên nhân khiến Ma Rốc trở thành điểm đến thu hút ngày càng nhiều công ty Trung Quốc.
Ngoài ra, Ma Rốc và Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho ngành công nghiệp xe điện. Ma Rốc là nước xuất khẩu phốt phát hàng đầu thế giới, còn Trung Quốc chiếm ưu thế về thị trường các khoáng sản quý hiếm như lithium, coban và đất hiếm.
Hồi tháng 6, EU tuyên bố áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện từ Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối. Mỹ cũng áp dụng mức thuế 100% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Ông Abdelmonim Amachraa, chuyên gia về chuỗi giá trị và phát triển bền vững, từng làm việc tại Bộ Công thương Ma Rốc nhận định việc thành lập các cơ sở sản xuất của Trung Quốc tại Ma Rốc phản ánh xu hướng rộng hơn về hội nhập khu vực và tái cấu hình chuỗi giá trị toàn cầu. Khi các công ty tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị và rào cản thương mại, các trung tâm khu vực như Ma Rốc ngày càng trở nên quan trọng.