10 tháng vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam. Con số này đã giảm khoảng 15% so với năm ngoái.
Cụ thể, rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đến là các sản phẩm thủy sản, bánh kẹo và sản phẩm chế biến khác. Trong đó, vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với gần 60%.
Cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, nếu chấp hành tốt các quy định, EU sẽ giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào.
Do vậy vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những quy định để kịp thời điều chỉnh sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mới. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần đồng hành với doanh nghiệp trong chiến lược đưa hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Về phía doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoài, chuyên viên cao cấp, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều quốc gia thành viên EU và đa phần được các nước nhập khẩu thường xuyên cập nhật thông tin mới về hàng rào kỹ thuật trong an toàn thực phẩm. Đây là lý do doanh nghiệp cần tới sự hỗ trợ từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) nhằm rút ngắn thời gian và chi phí.
“Có những thị trường không có cổng thông tin luật hoặc thông tin luật không hoàn thiện thị trường có xu hướng gia tăng các quy định cũng như khắt khe hơn về các quy định. Bên cạnh đó chúng tôi còn gặp khó khăn về ngôn ngữ, không phải quốc gia nào cũng có văn bản luật bằng tiếng Anh”, ông Võ Văn Hoài cho biết.
Cũng trong 10 tháng qua, EU đã đưa ra 103 thông báo dự thảo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Khi hàng hóa đến cảng nhập mà không đảm bảo các tiêu chuẩn nhà nhập khẩu đưa ra chỉ có 2 cách xử lý hoặc là trả về hoặc là tiêu hủy. Nguy cơ bị cảnh báo cũng đến từ quá trình vận chuẩn không đúng quy trình, đặc biệt là hàng nông sản tươi sống.
Về vấn đề này, theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhận định: “Doanh nghiệp của chúng ta muốn xuất khẩu sang thị trường EU, muốn đáp ứng được tín hiệu thị trường thì chúng ta phải nắm chắc, hiểu đúng các thông báo, dự thảo thông báo này để áp dụng vào thực tiễn thì chúng ta phải đáp ứng. Bởi vì quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, quy định SPS, đây là quy định bắt buộc áp dụng”.
Bởi khi tăng tần suất kiểm tra trực tiếp, hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tại nước xuất khẩu, đây là hậu quả nếu sản phẩm liên tiếp bị cảnh báo nhập khẩu. Vì vậy, thiệt hại không chỉ là giá trị một đơn hàng hay một doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu của Việt Nam nên cần sự chung tay của chuỗi cung ứng đến sản xuất.
Bên cạnh đó, quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 12 năm sau. Với Việt Nam, có 3 mặt hàng chủ đạo bị ảnh hưởng là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, do yêu cầu từ phía EU là 100% sản phẩm cà phê xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị đến từng vườn.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, ngành cà phê Việt Nam hiện nay với diện tích canh tác chủ yếu manh mún nhỏ lẻ, dự kiến sẽ chịu nhiều tác động.
“Định vị được vị trí địa lý của từng thửa đất nó nằm ở đâu rất khó khăn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cao, sự phối hợp cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp”, ông Hải nói.
Về phía EU, ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu bày tỏ: “Các hoạt động thương mại liên quan tới EU sẽ không dẫn tới những hệ quả xấu, như phá rừng ở những quốc gia khác. Khi xây dựng quy định này, chúng tôi đặc biệt lưu tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất nông nghiệp bằng cách cung cấp những hướng dẫn, lộ trình rõ ràng, đảm bảo quy định chống phá rừng sẽ không tạo ra những gánh nặng không cần thiết”.
Theo các chuyên gia, quy định mới của EU vừa là thách thức và vừa là cơ hội để cà phê Việt Nam nói riêng cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác nói chung phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, tuy nhiên chỉ có khoảng 4% từ Việt Nam, điều này cho thấy dư địa thị trường này còn rất lớn. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững.