Trong bối cảnh gỗ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, giá thành đắt đỏ, không phù hợp với chiến lược toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải về 0. Xu hướng sử dụng gỗ công nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới ngày càng phổ biến.
Thiết kế nội thất bằng gỗ công nghiệp được ứng dụng trong rất nhiều công trình nhà ở, văn phòng, khách sạn, quán cà phê với đủ mọi phong cách cổ điển, bán cổ điển, hiện đại. Người tiêu dùng thoải mái chọn mua sản phẩm tùy theo nhu cầu, sở thích, điều kiện kinh tế cá nhân.
Gỗ công nghiệp mang ưu điểm vượt trội là mẫu mã đa dạng, tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa tình trạng cong vênh, mối mọt hay co ngót. Đặc tính cơ bản của gỗ công nghiệp là dễ thao tác, với ba công đoạn cắt – dán – khoan ghép nên việc lắp ráp cực kỳ nhanh chóng.
Theo dự báo, mặc dù đang chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lạm phát nhưng châu Âu vẫn là thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất với gỗ công nghiệp. Trong đó phân khúc về gỗ nội thất chiếm trên 50% tổng nhu cầu; tổng dung lượng thị trường hơn 23 tỷ USD.
Đặc biệt, sản phẩm có nguồn gốc sinh học và có khả năng tái chế. Nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm để sản xuất ván sàn, ván sàn, cửa sổ và cửa ra vào trong các tòa nhà dân cư và thương mại có khả năng tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành.
Bà Lê Uyên Thanh Ngọc, Quản lý cấp cao phát triển kinh doanh Bureau Veritas Consumer Product Sevices, cũng lưu ý các nhà xuất khẩu Việt muốn thâm nhập thị trường EU phải nắm rõ tiêu chuẩn về chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khoẻ và vệ sinh.
Tại châu Á, thị trường gỗ công nghiệp Ấn Độ đạt 2,80 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,4% về doanh thu, từ năm 2020 đến năm 2027.
Quy mô thị trường sàn gỗ Bắc Mỹ được định giá 4,6 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng CAGR là 1,5% từ năm 2020 đến năm 2027. Nhu cầu ngày càng tăng về các lựa chọn thay thế bền đẹp, thẩm mỹ cho các vật liệu sàn truyền thống là dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Đạo luật Lacey của Mỹ nghiêm cấm khai thác và nhập khẩu trái phép; bán hoặc buôn bán gỗ khai thác bất hợp pháp lâm sản.
Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng trước khi ký kết hợp đồng mua bán, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ đối tác thông qua hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương, thương vụ Việt Nam tại các nước cũng như kinh nghiệm giao thương của các doanh nghiệp xuất khẩu khác.
Tự tin vượt qua khó khăn
Là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 6 thế giới, thứ hai ở châu Á và lớn thứ nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất.
Hệ thống các nhà máy chế biến gỗ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đóng góp sản lượng và doanh thu không nhỏ tạo bên bộ mặt ngành gỗ công nghiệp nước nhà. Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị được đánh giá là điển hình ở Miền Trung.
Với công suất thiết kế 180.000m3sp/năm hoạt động vượt công suất thiết kế 260.000m3sp/năm. Hiện công ty có 2 nhà máy sản xuất ván MDF nhiều chủng loại như E1, E2 và các loại ván MDF cao cấp HDFE2, HDFHMR, HMRE2, HMRE1, Carbp2, ngoài ra còn cung cấp ra thị trường cho các nhà máy MDF khác.
Xuất khẩu gỗ công nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn do các thị trường tiềm năng suy giảm sức mua, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Một mặt, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp gỗ tái cấu trúc bộ máy, chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Mặt khác, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, kịp thời cho ngành gỗ công nghiệp xuất khẩu. Xúc tiến thành lập các trung tâm triển lãm, kéo khách hàng đến gần hơn với nhà sản xuất.
Đồng thời, các Bộ, ngành hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm; tăng mức hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp, trong khi chi phí để tham gia khá cao.