Những năm tới, dòng vốn FDI mới vào lĩnh vực công nghệ ngày càng trở nên không chắc chắn, nhất là khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump muốn lôi kéo sản xuất về trong nước.
Năm 2024 đang đi tới hồi kết, nhưng các khoản đầu tư đình đám từ Mỹ dường như vẫn đang lảng tránh Việt Nam. Năm qua, Google rót 1 tỷ USD vào Thái Lan. Nividia, Microsoft hay Oracle cũng đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Malaysia và Indonesia.
- Việt Nam có đang gặp khó khăn trong việc thu hút các dòng đầu tư công nghệ mang tính biểu tượng không, thưa ông?
Tôi trả lời câu hỏi của bạn là: có và không. Tôi nói “có” vì nếu chúng ta xem tin tức, các giao dịch lớn, đặc biệt là trong các trung tâm dữ liệu trị giá hàng tỷ USD gần đây, đang vắng bóng Việt Nam. Các dòng vốn FDI đã chảy đến Malaysia hay Thái Lan. Vì vậy, tôi nghĩ điều đó là đúng.
Vì sao tôi nói “không”? Bởi vì ngoài những thương vụ lớn này, thực chất FDI năm 2024 của Việt Nam vẫn tăng khá mạnh - gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có một số khoản đầu tư lĩnh vực công nghệ cao. Meta vừa công bố có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam. Ở Bắc Ninh, Amkor và Samsung đều đã thực hiện nhiều khoản đầu tư hơn.
Đối với tôi, có ba cảm nhận. Đầu tiên là Việt Nam vẫn đang thu hút FDI chất lượng, dù có thể ít hơn. Thứ hai, chúng ta cần nhìn vào khoảng thời gian dài hơn, ví dụ khoảng 5 năm. Rất có thể năm nay khoản đầu tư lớn đến Malaysia, nhưng năm sau sẽ là Việt Nam. Và thứ ba, dòng FDI này cần phải là FDI bền vững và chất lượng, tức chúng phải thực sự có ích cho Việt Nam.
Với Việt Nam, những ưu đãi phải phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Tôi nghĩ mục tiêu không nên là thu hút tất cả các công ty lớn, mà cần tạo ra quan hệ hợp tác giúp ích cho cả đối tác nước ngoài và sự phát triển của Việt Nam.
Và điểm cuối cùng, Việt Nam và các quốc gia như Malaysia hay Thái Lan đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta không thể mong đợi mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam tương tự như một số quốc gia khác.
- Thay vì chỉ nhắm tới ngành công nghệ, Việt Nam nên ưu tiên điều gì để thu hút FDI giá trị cao, thưa ông?
FDI giá trị cao đối với Việt Nam có nghĩa là FDI hỗ trợ Chiến lược quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như lãnh đạo Việt Nam đã nêu. Trong đó, các bạn đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050, phát triển sản xuất giá trị cao, kinh tế số và kinh tế xanh.
Dựa trên điều này, tôi đánh giá cao các sản phẩm, trang thiết bị điện tử trong các ngành hàng không, chăm sóc sức khỏe, cũng như các thiết bị điện tử tiêu dùng. Hoặc các sản phẩm phục vụ ngành công nghệ xanh và năng lượng, kỹ thuật số, có thể là phát triển phần mềm.
Nền kinh tế kỹ thuật số cũng là FDI giá trị cao vì nó hỗ trợ tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra là năng lượng và những lĩnh vực khác.
- Vậy theo ông, thiếu năng lượng hay nhân lực chưa đạt chuẩn là vấn đề của Việt Nam khiến các công ty lớn e ngại?
Chỉ có nguồn lao động giá rẻ và đất đai sẵn có là chưa đủ. Theo tôi, trọng tâm cuối cùng là về giáo dục.
Việt Nam cần phát triển và giữ chân nhân tài, để những người giỏi nhất ở lại hoặc đến với Việt Nam. Kể cả khi nếu các tài năng người Việt có cơ hội, hãy để họ ra đi, phát triển và họ sẽ quay trở lại đất nước. Tôi nghĩ những người tài đều luôn muốn phát triển hơn nữa.
Về vấn đề năng lượng, chúng ta nên phát triển năng lượng tái tạo, nhưng năng lượng sẽ tăng trưởng, rồi ổn định và đến một lúc nào đó sẽ giảm xuống. Sử dụng năng lượng để thu hút đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế không phải là tầm nhìn cho 50 – 100 năm tới. Giáo dục, đổi mới và nhân tài sẽ đóng vai trò quyết định.
Với các quốc gia như Việt Nam, bảo vệ môi trường và đạt được tham vọng phát thải ròng bằng 0 cũng là “chìa khóa” trong thu hút đầu tư. Đây là một cam kết rất mạnh mẽ từ Việt Nam và chúng ta nên giữ vững cam kết đó.
- Vậy trong thời gian tới, Việt Nam nên có hành động gì để thuyết phục các tập đoàn hàng đầu, thưa ông?
Tôi thấy chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều việc để thuyết phục các công ty đa quốc gia, tất nhiên bao gồm cả những thay đổi về chính sách. Chất bán dẫn là một ví dụ, Chính phủ và tất cả các bên liên quan đã hành động rất nhanh để bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp này.
Điều quan trọng đầu tiên là lực lượng lao động, phát triển lực lượng trong nước với sự hợp tác của các chuyên gia nước ngoài và địa phương.
Bên cạnh đó, vấn đề về tài chính với câu hỏi “Làm thế nào để mở khóa nguồn tài chính?” Trong một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, để đạt được 7% GDP, chúng ta cần rất nhiều nguồn tài chính để tài trợ cho tăng trưởng. Quan hệ đối tác công tư có thể là một giải pháp quan trọng.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải luôn cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường một số luật lệ, định hướng thương mại, bảo vệ sở hữu trí tuệ để đẩy mạnh thu hút FDI công nghệ.
- Trân trọng cám ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...