Trong bối cảnh hiện nay, khi biển quảng cáo ngoài trời không có gì mới mẻ, quảng cáo trên TV quá nhàm chán, còn quảng cáo bằng người nổi tiếng cũng chẳng còn giữ được sức hút, thì các thương hiệu đang hướng đến một không gian rộng lớn hơn để triển khai các chiến dịch của mình, đó là bầu trời.

Quảng cáo bằng drone

Quảng cáo ở… trên trời

Lego Group thực hiện màn trình diễn với 400 drone

Chỉ trong vòng vài tháng vừa qua, nhiều thương hiệu lớn đã sử dụng drone để quảng cáo. Chẳng hạn Lego Group thực hiện màn trình diễn với 400 drone tại khu vực Hudson River ở thành phố New York để quảng cáo bộ xếp hình chủ đề không gian sắp ra mắt. General Electric dùng 1.000 drone để chúc mừng sự kiện công ty được tách thành ba công ty độc lập khác. Còn Netflix thì thắp sáng bầu trời Hollywood với 2.000 drone nhằm khởi động lễ hội Netflix Is a Joke của mình. Ngoài ra còn rất nhiều tên tuổi khác như Bulgari, Marvel, Paramount+ hay Genesis (dòng xe sang của Hyundai).

Với xu hướng này, bầu trời đang trở thành tấm biển quảng cáo khổng lồ. Thế nhưng chi phí một màn trình diễn drone không hề rẻ, vậy nên ở thời điểm hiện tại, đây vẫn chỉ là sân chơi của những ông lớn ví dầy.

Lucas Van Oostrum, đồng sáng lập Drone Stories, công ty chuyên về trình diễn ánh sáng drone và từng hợp tác với những thương hiệu lớn như Samsung, Spotify, Mercedes, F1 và Lego Group cho biết, một màn trình diễn drone có giá khá vô chừng, dao động từ 50.000 đến 1 triệu đô. Đa số rơi vào khoảng 100.000 - 300.000 đô. Với nhiều công ty nhỏ, đây là con số không tưởng. Thế nhưng với những ông lớn như Lego Group, đơn vị có doanh thu lên đến 9 tỷ USD trong năm 2023, bỏ ra vài trăm nghìn đô triển khai một màn drone thì không vấn đề gì.

Theo Alexander Chernev, giáo sư tiếp thị tại Đại học Northwestern, giá thành biểu diễn drone cao tạo ra rào chắn đối với những công ty nhỏ, thế nhưng lại là cơ hội để các công ty lớn tỏa sáng. Tuy nhiên lý do lớn nhất khiến các thương hiệu ưa chuộng trình diễn drone là vì đây là hình thức hiệu quả để truyền tải câu chuyện của họ trên một “nền tảng” lớn nhất thế giới.

Lấy ví dụ màn trình diễn drone mới nhất của Lego Group hôm 22/5. Màn trình diễn có tên UPO, viết tắt của “Unidentified Playing Object” - Vật thể đồ chơi không xác định. Trước khi sự kiện diễn ra, đội nhóm Lego đã tổ chức cuộc thi thiết kế hình mẫu máy bay trong tương lai với đối tượng tham gia là trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới.

Tưởng tượng của trẻ em rất đa dạng, từ một con khủng long có jetpack phía sau, đĩa bay có kính nhìn ban đêm đến chiếc giường gắn cánh bướm với hộp đựng đồ ăn nhẹ. Sau đó, họ chọn ra 6 ý tưởng đến từ Anh, Mỹ, Hong Kong và Đan Mạch và rồi cuối cùng Drone Stories dùng drone biến những tưởng tượng này thành phiên bản ánh sáng ngoài đời thực.

Với việc đưa những món đồ chơi này lên bầu trời bằng drone, Lego Group đang muốn cho thế giới thấy rằng vui chơi và sáng tạo vẫn là những giá trị chủ chốt của họ. Dĩ nhiên, qua màn trình diễn drone, bộ đồ chơi lắp ghép của họ sẽ càng được nhiều người biết đến hơn.

Lịch sử lâu đời

Quảng cáo ở… trên trời

Màn trình diễn drone để biến bầu trời thành tấm biển quảng cáo khổng lồ

Với drone, các thương hiệu có thể biến bầu trời trở thành một tấm biển quảng cáo khổng lồ. Sơng trong quá khứ, đã có nhiều thương hiệu khác tận dụng bầu trời với những cách độc đáo không kém.

Năm 1922, bầu trời Manhattan xuất hiện một dòng số điện thoại bí ẩn bằng khói. Hóa ra đó là chiến dịch của một khách sạn, và họ đã nhận được hơn 47.000 cuộc gọi chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Kể từ đó, chiêu quảng cáo viết chữ lên bầu trời ra đời. Các công ty như Pepsi, Ford, Chrysler, Lucky Strike, v.v. hưởng ứng nhiệt tình.

Loại hình viết chữ lên bầu trời dần mờ nhạt trong những năm 50 của thế kỷ trước, bị thay thế bằng loại hình biểu ngữ trên máy bay. Công ty quảng cáo trên không lâu đời nhất của Mỹ ra đời năm 1945 và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, hợp tác với vô số đối tác, từ các casino địa phương cho đến ông lớn như Pepsi.

Tuy nhiên trong vài chục năm vừa qua, viết chữ lên bầu trời dường như có dấu hiệu xuất hiện trở lại, với các chiến dịch từ Cool Moon Ice Cream hoặc Uber.

Hiện tại vẫn chưa có cách đo lường độ hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị trên bầu trời kiểu cổ điển như vậy. Còn với drone, McKenna của Lego Group cho biết màn trình diễn drone của họ diễn ra thành công, với đoạn Reel đăng lên Instagram nhận về 10 triệu lượt xem.

Bầu trời rộng lớn

Hiện tại, các màn trình diễn drone vẫn chỉ cho giới nhà giàu. Thế nhưng tình hình sẽ thay đổi, vì giá cả thiết bị giảm, dần dần drone sẽ có giá mềm hơn, sẽ giúp giá thành trình diễn drone giảm theo. Thứ mà khách hàng cần trả chỉ còn là chi phí sáng tạo và phí sản xuất phụ trợ.

Tuy nhiên lúc này, một câu hỏi lại nảy ra: Nếu ai cũng dễ dàng triển khai trình diễn drone, liệu nó có trở nên nhàm chán? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, thế nhưng với tốc độ giảm giá drone như hiện tại thì có vẻ còn rất lâu nữa thị trường này mới bị bão hòa, vẫn còn rất nhiều không gian cho các thương hiệu.

Còn nếu bầu trời kín chỗ? Có lẽ các thương hiệu sẽ khai phá địa điểm mới. Chẳng hạn Coca-Cola muốn chiếu logo trên mặt trăng, hoặc Elon Musk từng có kế hoạch đem biển quảng cáo ra ngoài không gian. Sự sáng tạo của con người, ai có thể giới hạn được?