PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã nhấn mạnh về những tác động, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình nền kinh tế đang chuyển đổi xanh.
Dù là nước đang phát triển nhưng những năm gần đây Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Bằng các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.
Hiện, nước ta đứng ở vị trí 79/160 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số kinh tế xanh. Xét về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang đứng ở vị trí 73/245 quốc gia trên toàn cầu, và xếp thứ 16/50 ở khu vực châu Á.
Năm 2020, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, tương đương với 2% GDP. Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông - lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp và 17% từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.
Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, song theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, quy mô kinh tế xanh ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Chúng ta đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên nhưng đang phải đối mặt với thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh.
Đặc biệt, khi các quy định về môi trường, xã hội mà các thị trường lớn trên thế giới đưa ra ngày càng chặt chẽ. Điển hình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu tác động trực tiếp đến sản phẩm xuất khẩu của 4 ngành hàng thép, nhôm, phân bón, xi măng. Mỹ cũng đưa ra dự thảo về Luật Cạnh tranh và dự kiến áp dụng quy định tương tự CBAM. Anh đã thông qua quy định về CBAM riêng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, những quy định trên làm thay đổi cấu trúc thương mại, đầu tư toàn cầu. Các yêu cầu đều tập trung vào mục tiêu xanh nhằm ứng phó với 3 cuộc khủng hoảng là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp của Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng sẽ không có khả năng đối mặt với tình hình mới.
Trong khi đó, theo các tổ chức tài chính trên thế giới, việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Nếu không có báo cáo này, doanh nghiệp có thể bị hạ định mức tín nhiệm và có khả năng huy động vốn cao hơn. Các nước trên thế giới sẵn sàng hy sinh 1% thị phần từ Việt Nam để bảo vệ 99 % thị phần còn lại của họ.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường lưu ý, trước đây, rủi ro của doanh nghiệp có thể được xác định dựa trên lịch sử hoạt động và tác động diễn ra từ từ. Hiện nay, rủi ro khí hậu là rủi ro đột ngột, doanh nghiệp có thể bị loại khỏi thị trường nếu không tuân thủ theo quy định. Kéo theo đó, dòng xuất khẩu và đầu tư cũng có thể sẽ dừng ngay.
Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện, công bố báo cáo ESG và báo cáo phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn báo cáo phổ biến hiện nay là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) kèm theo các báo cáo khác như công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)... Đây là những bộ tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới và thực hiện.
Thực hiện báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững, ông Nguyễn Đình Thọ cũng lưu ý thêm doanh nghiệp, nội dung đưa vào báo cáo không chỉ có hoạt động trồng cây, làm từ thiện theo nghĩa vụ mà doanh nghiệp cần xác định đây là trách nhiệm doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định quốc tế, quy định pháp luật của Việt Nam. Trong Nghị định 06/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, nhận báo cáo phát thải của doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn ISO 14065 và thực hiện báo cáo phát thải theo ISO 14064.
Thực hiện phát triển bền vững theo đúng tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tham gia thương mại toàn cầu. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, động lực từ doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, carbon thấp sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp tục duy trì vị trí trong 20 nước có quy mô thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới.