Bộ Công thương vừa có báo cáo trình Chính phủ về đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đó, Bộ đề xuất 3 phương án chọn nhà đầu tư làm điện gió ngoài khơi, ưu tiên các tập đoàn kinh tế Nhà nước làm thí điểm trong giai đoạn đầu.
Phương án 1, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện. PVN có lợi thế là có dự án dầu khí ngoài khơi, có cùng cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào... sẽ có những lợi thế nhất định trong triển khai điện gió ngoài khơi.
PVN có nhiều lợi thế làm điện gió ngoài khơi
Phương án 2, thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện. Bộ Công thương cho rằng, EVN có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện.
Phương án 3, giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Phương án này cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Phương án này sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi Bộ Công thương nhận được ý kiến góp ý của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành...
Đánh giá về những lợi thế của PVN khi được đề xuất đầu tư thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, theo báo cáo chuyên ngành dịch vụ kỹ thuật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với kinh nghiệm quản lý, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, PVN hoàn toàn có khả năng đảm nhận, quản lý tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, nhân lực trong đầu tư, xây dựng các trang trại gió ngoài khơi tại Việt Nam và quốc tế.
Trước năm 2015, PVN đóng góp trung bình hàng năm 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, PVN đóng góp trung bình 9 - 11% tổng thu ngân sách nhà nước và 10 - 13% GDP cả nước.
Năm 2020, trong các tập đoàn nhà nước, PVN là doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước lớn nhất (chiếm hơn 27% tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước). Bên cạnh đó, PVN còn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2020, nguồn cung năng lượng sơ cấp của PVN chiếm trung bình 25 - 27% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp Việt Nam, tỷ trọng nguồn năng lượng cuối cùng (NLCC) của PVN trong tổng nguồn NLCC Việt Nam chiếm trung bình 18 - 27%. Qua đó, có thể thấy PVN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước và tiến trình chuyển dịch năng lượng quốc gia.
Cùng với lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, PVN đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, một đội ngũ nhân lực trên 60.000 người với chất lượng cao có thể làm chủ đầu tư, tổng thầu EPCI, nhà thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ các dự án ngoài khơi.
PVN đã xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói (từ thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử trên bờ và ngoài khơi). Với hệ thống hạ tầng, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị vận chuyển, thi công được trang bị đầy đủ, có tính tự động hóa cao.
PVN và các đơn vị thành viên luôn được các khách hàng tin tưởng lựa chọn, giao tổng thầu EPC, EPCI cho các dự án lớn ngoài khơi và cả trên bờ. Với kinh nghiệm quản lý và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, PVN hoàn toàn có khả năng quản lý tốt các thách thức về hậu cần, kỹ thuật, nhân lực trong việc đầu tư, xây dựng các trang trại gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Về nguồn lực tài chính, PVN đã được Fitch ratings xếp hạng tín dụng độc lập ở mức BB+. Vì vậy, trong giai đoạn tới, công tác thu xếp vốn cho các dự án đang và sẽ triển khai, cũng như các dự án nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư của PVN, đặc biệt là đầu tư vào các nguồn năng lượng mới, tái tạo hoàn toàn có thể đáp ứng được theo yêu cầu trong bối cảnh thị trường vốn quốc tế và trong nước ngày càng rộng mở với chi phí vốn hợp lý.
Tính đến nay, PVN đã thực hiện hơn 100 dự án lớn (từ trên bờ ra ngoài khơi) đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, được các khách hàng lớn trong và ngoài nước đánh giá cao. Các công trình, dự án ngoài khơi lớn mang tầm cỡ trong khu vực mà PVN đã thực hiện hoàn toàn bởi người lao động Việt Nam.
PVN đã thực hiện hơn 100 dự án lớn
Trong đó có một số công trình điển hình, như giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 (khả năng khoan tại độ sâu 90m nước) và Tam Đảo 05 (khả năng khoan tại độ sâu lên tới 130m nước). Giàn khai thác, xử lý khí Sao Vàng (Lô 05-1b và 05-1c) có tổng trọng lượng lên tới 26,6 nghìn tấn (chân đế 12,6 nghìn tấn và khối thượng tầng khoảng 14.000 tấn).
Giàn khai thác, xử lý khí Hải Thạch (Lô 05-2) có tổng trọng lượng lên tới 24 nghìn tấn (chân đế 11,2 nghìn tấn, khối thượng tầng 12,5 nghìn tấn). Hàng chục các giàn khai thác có tổng trọng lượng nằm trong dải từ 2.000 – 10.000 tấn (như giàn nén khí Sư Tử Trắng và các giàn khai thác thuộc cụm mỏ Sư Tử Lô 15.1, các giàn BK tại khu vực mỏ Bạch Hổ, các giàn khai thác mỏ Tê Giác Trắng Lô 16.1, mỏ Chim Sáo Lô 12W, mỏ Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen Lô 15-2, mỏ Rạng Đông - Phương Đông Lô 15-2...
Đặc biệt, PVN còn xuất khẩu dịch vụ ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam và được các chủ đầu tư, nhà thầu quốc tế đánh giá rất cao, như khối thượng tầng giàn công nghệ HRD (khối lượng khoảng 9 nghìn tấn) cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC).
Giàn khoan khai thác mỏ dầu lớn nhất của Qatar trong dự án Gallaf (tổng khối lượng khoảng 26.000 tấn, trong đó có chân đế nặng tới 12 nghìn tấn và các khối thượng tầng khoảng 3,5 nghìn tấn mỗi khối). Dự án EPCC Maharaja Lela South tại Brunei cho Total E&P (khoảng 2.000 tấn)...
PVN cũng rất giàu kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng, vận hành hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển khí tự nhiên (cả ngoài khơi và trên bờ). Điển hình là các dự án đường ống Nam Côn Sơn và Nam Côn Sơn 2, đường ống Lô B - Ô Môn (đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư), đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố, đường ống thu gom khí bể Cửu Long, cũng như các đường ống nhánh, đường ống nội mỏ… (tổng cộng khoảng 2.500 km đường ống hiện hữu). PVN cũng đã thực hiện đầu tư các loại hình nhà máy điện khác nhau với tổng công suất đặt là 6.605 MW (chiếm khoảng 8% công suất đặt của cả nước).
Các báo cáo của World Bank Group, tư vấn BVG Associates cho thấy, đối với các dự án điện gió ngoài khơi, PVN hoàn toàn có đầy đủ năng lực để thực hiện toàn bộ các công việc liên quan đến phát triển dự án điện gió ngoài khơi (ngoại trừ phần việc cung cấp thiết bị chính như tua bin, cáp ngầm, máy biến áp, được thực hiện bởi các nhà cung ấp thiết bị, nhà chế tạo thiết bị gốc).
Nhờ vào thế mạnh về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, PVN có những lợi thế để tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn cho các dự án điện gió ngoài khơi trong cả vai trò chủ đầu tư và tổng thầu.
Cụ thể, PVN là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có các dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia, được thu thập và lưu trữ trong quá trình khảo sát, tìm kiếm thăm dò dầu khí. PVN có năng lực cần thiết để cung cấp các dịch vụ khảo sát (khảo sát đáy biển, khảo sát kỹ thuật vật lý… là các hạng mục công việc thực hiện thường xuyên trong hoạt động dầu khí) và nghiên cứu tiền khả thi dự án điện gió ngoài khơi.
Ví dụ, hiện tại Vietsovpetro đã trúng thầu và đang thực hiện công việc khảo sát địa chất, môi trường cho dự án điện gió ngoài khơi La Gan, PTSC ký kết hợp đồng đo gió, sóng và dòng chảy cho dự án Thăng Long Wind...
PVN có đầy đủ năng lực trở thành chủ đầu tư, tổng thầu của các dự án điện gió ngoài khơi. Với đội ngũ thiết kế dồi dào, chuyên nghiệp được đào tạo chính quy thuộc các lĩnh vực kết cấu công trình, được trang bị các phần mềm chuyên dụng có bản quyền, PVN đã và đang thực hiện toàn bộ các giai đoạn thiết kế (từ công tác soạn thảo phương án, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thiết kế thi công cho các công trình khai thác trên biển và hoàn toàn có thể hợp tác với các công ty thiết kế lớn để chuyển đổi từng bước đảm nhận các hạng mục thiết kế cho các dự án điện gió ngoài khơi).
Tận dụng được mạng lưới mua sắm sẵn có với các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong lĩnh vực dầu khí, PVN có thể tìm kiếm nguồn vật tư, thiết bị đầu vào với chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh khi tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi...