Là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút FDI, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành và thực hiện hiệu quả Nghị quyết riêng về phát triển Đảng.
Thành uỷ Hà Nội đã nhất quán triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội trong suốt hơn 2 nhiệm kỳ qua. Đây cũng là Nghị quyết cụ thể hóa Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” trên địa bàn Hà Nội. Với hàng trăm doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 9 khu công nghiệp và chế xuất lớn, chú trọng phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp FDI không chỉ giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế mà còn hướng đến mục đích lớn hơn là nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hoạt động ổn định và ngày càng phát triển lớn mạnh.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, trong giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết cũng như hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể cần thực chất, hiệu quả, giữ đúng nguyên tắc của Đảng. Quan trọng nhất, cần phù hợp thực tiễn, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cách thức hiệu quả nhất để tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện tốt Nghị quyết 09 chính bằng hành động cụ thể, thiết thực của cấp uỷ, chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, Hà Nội thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09, góp phần tạo sự phát triển ổn định cho kinh tế Thủ đô và cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục tạo lực hút đầu tư nước ngoài.
Tại Đảng uỷ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đến nay đã có 100 tổ chức Đảng cơ sở trên tổng số gần 700 doanh nghiệp với 1.461 đảng viên trên khoảng 160.000 người lao động đang làm việc; trong đó có 52 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, Đảng uỷ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chỉ đạo rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có đảng viên; kết nạp đảng viên ở doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng năm 2024; phối hợp mở 1 lớp tìm hiểu về Đảng cho 95 cán bộ công đoàn; giới thiệu 112 đoàn viên ưu tú học các lớp đối tượng kết nạp Đảng do Đảng ủy tổ chức…
Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhất là doanh nghiệp FDI là việc khó. Tuy nhiên, với cách làm bài bản, quyết liệt nhưng cũng rất linh hoạt, sáng tạo, Thành uỷ Hà Nội đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp và người lao động với việc giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho từng cấp uỷ trực thuộc.
Tại Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, ông Lê Quang Long - Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban quản lý cho biết: trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của một số thành phố lớn, tại Hà Nội, lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tham gia cấp uỷ của Đảng uỷ khu công nghiệp, đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: quản lý nhà nước và công tác xây dựng Đảng. Mô hình này đang được nhiều tỉnh, thành học tập và áp dụng hiệu quả. Thành ủy Hà Nội quan tâm chỉ đạo, phát hành tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết số 09-NQ/TU bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để các chủ doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp cận đầy đủ thông tin, chủ trương của Đảng và thành phố.
Theo ông Lê Quang Long, xác định khó khăn trong tuyên truyền, vận động là làm cho doanh nghiệp hiểu được vai trò của Đảng nằm trong các tổ chức chính trị xã hội, hiểu rõ hơn đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thành lập và kiện toàn 3 tổ tuyên truyền vận động phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy làm trưởng đoàn. Trách nhiệm của cơ quan tuyên truyền phải nắm được tâm lý, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp và người lao động để tuyên truyền giải thích cho câu hỏi lớn: vào Đảng được cái gì? Đó là tổ chức Đảng sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong thực hiện thủ tục hành chính… góp phần cho sự ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, trái lại sẽ làm cho doanh nghiệp tốt hơn, người lao động tốt lên.
Nói đi đôi với làm, những minh chứng cụ thể tại các doanh nghiệp FDI có tổ chức Đảng tạo ra sức lan toả tốt, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn