Chính sách thu hút nguồn lực vào nông nghiệp không phát huy được hiệu quả, ngành nông nghiệp cũng chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau.
Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với những mất mát, khó khăn của người nông dân sau cơn bão số 3 Yagi, Bộ trưởng nói: "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cơn bão khủng khiếp, sức tàn khá kinh khủng như thế. Cũng đúng dịp này, tôi đang ở Quảng Ninh và rất muốn tới thăm HTX nuôi biển tại Vân Đồn, tôi muốn ra thăm với bà con ngay nhưng lúc đó sức gió bão vẫn còn rất lớn. Sáng hôm sau, chứng kiến lồng bè của bà con xơ xác, bị cuốn trôi vô cùng đau lòng. Xin chia sẻ với bà con những mất mát này.
Bà con mình mạnh mẽ lắm, cái câu còn người còn của, còn thở còn gỡ, của đi thay người thể hiện rất rõ lúc này. Bà con mình ở khắp nơi từ Lào Cai, Yên Bái, hay Hải Dương…, chỉ 2-3 ngày sau khi mưa lũ đi qua bà con đã gieo trồng hoa màu trở lại.
Một trong những vấn đề mà nhiều bà con quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào có vốn để sớm khôi phục lại sản xuất. Vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh, rất sớm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng vào cuộc giúp bà con tháo gỡ khó khăn, tái thiết lại sản xuất và cuộc sống. Và trong tuần tới chúng tôi sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao đồng vốn sớm đến tay bà con.
Bà con cứ yên tâm, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như cá nhân Bộ trưởng sẽ luôn đồng hành cùng bà con trên con đường vượt khó, làm giàu".
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp Eurocham, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn đã có những chia sẻ về mô hình chăn nuôi công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Vũ Mạnh Hùng đánh giá, về thực trạng ngành nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp của chúng ta còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, về cơ bản vẫn còn là nền nông nghiệp quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Nhiều chính sách thu hút nguồn lực vào nông nghiệp không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ông Vũ Mạnh Hùng thẳng thắn nói: “Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khó khăn không chỉ ở những vấn đề mà tôi vừa trình bày. Năm 2024 có thể nói là thời khắc khó quên khi chúng ta đang phải chứng kiến những thách thức chưa từng có. Từ các hiện tượng thời tiết bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, cho tới suy thoái kinh tế… Tất cả đang tác động rất tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp”.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nhân thể hiện sự năng động, bản lĩnh, quyết đoán để chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình mới. Ông Vũ Mạnh Hùng lấy dẫn chứng từ bước chuyển mình của Tập đoàn Hùng Nhơn, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. “Sau thất bại với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi quyết định bắt tay với đối tác là các tập đoàn nông nghiệp top 10 của thế giới như De Heus (Hà Lan) và Belga (Bỉ). Từ sự hợp tác này, Hùng Nhơn đã nhanh chóng khẳng định vị thế của một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu với hàng loạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế Global GAP gồm 349 tiêu chí” - ông nói.
Nhờ quyết định táo bạo này, Hùng Nhơn trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính nhất hiện nay. “Hơn hết, điều khiến tôi hạnh phúc nhất, đó là mô hình liên doanh giữa Hùng Nhơn và De Heus không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam đón nhận luồng gió mới trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng bền vững, sản xuất gắn với tiêu thụ; mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kinh nghiệm của Hà Lan”, ông Vũ Mạnh Hùng tự hào chia sẻ.
Không dừng lại ở những thành công này, theo ông Vũ Mạnh Hùng, Tập đoàn Hùng Nhơn còn tiến thêm bước dài trong xu hướng chuyển đổi xanh. Đó là mô hình "từ trang trại đến bàn ăn". Đây có thể xem là giải pháp làm thay đổi tất cả các mô hình sản xuất manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị và rời rạc lâu nay trên thị trường sản phẩm nông nghiệp. Xu hướng này đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực chăn nuôi, bởi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, trong quá trình thực hiện loạt dự án Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều, từ lãnh đạo chính quyền và các sở ban ngành tại địa phương, đặc biệt là trong các dự án tại DHN Gia Lai và DHN Tây Ninh.
“Mặc dù gặp phải một số thách thức liên quan đến quá trình giải tỏa, đền bù đặc biệt là khi phải thích nghi với các quy định mới của Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Đây là những thay đổi lớn buộc chúng tôi phải nâng cao năng lực lãnh đạo và cải tiến hệ thống thông tin, nhằm quản lý và theo dõi dự án một cách chính xác và kịp thời”, ông Vũ Mạnh Hùng phân tích.
Ông Vũ Mạnh Hùng bày tỏ tin tưởng, nhờ sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo chính quyền và các sở ban ngành, doanh nghiệp tin tưởng rằng các khó khăn hiện tại sẽ sớm được giải quyết, và các dự án sẽ tiếp tục được triển khai thuận lợi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để đạt được mục tiêu này và duy trì cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo tiến độ dự án được hoàn thành và vận hành đúng thời hạn”, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn khẳng định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...