CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) “ông lớn” sở hữu gần 20 thương hiệu đình đám như Gogi House, Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Ashima, Ishushi, Daruma… vừa có thông về việc chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Golden Gate, đồng thời thay đổi logo thương hiệu nhận diện và con dấu kể từ ngày 6/6.
Đây là lần đầu tiên Golden Gate thực hiện việc thay đổi tên và logo thương hiệu sau 18 năm thành lập. Các thông tin khác như Người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh… vẫn được giữ nguyên.
Con dấu của công ty này trong nghị quyết công bố ngày 31/5 cũng đã thay đổi, từ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Công ty CP Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate Group JSC).
Ông Đào Thế Vinh, CEO Golden Gate cho biết, việc đổi tên và logo nhận diện thương hiệu thể hiện quyết tâm của công ty đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng như mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng, ẩm thực Việt Nam có tiềm năng lớn và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế với những giá trị về hương vị đa dạng, nguyên liệu tươi ngon và sự tinh tế trong cách chế biến”, ông Vinh nói.
Tham vọng này trước đó được thể hiện qua nghị quyết công bố đầu tư ra nước ngoài của HĐQT Golden Gate vào tháng 12 năm ngoái, với việc thành lập Công ty Universal Food and Beverage Pte.Ltd.
Golden Gate gọi đây là dự án 5G, có vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm, đầu tư hợp tác kinh doanh,…
Golden Gate được thành lập từ năm 2005, hiện có vốn điều lệ hơn 77 tỷ đồng. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với nhiều thương hiệu quen thuộc như Ashima, Kichi-Kichi, Vuvuzela, Ba con cừu, 37th Street, Daruma, Gogi House, City Beer Station, Icook, Isushi, Cowboy’s Jacks, Sumo BBQ…
Gần đây nhất vào ngày 1/3, Golden Gate đã thông qua việc chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của công ty tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Doanh nghiệp sau đó lên tiếng đính chính, việc chấm dứt hoạt động các chi nhánh là nhằm tái cấu trúc nội bộ, tinh giản bộ máy quản trị đảm bảo hiệu quả.
Tính đến cuối tháng 12/2022, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu với gần 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành phố.
Về hoạt động kinh doanh năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.965 tỷ đồng (tương đương thu về hơn 19 tỷ đồng/ngày), tăng gấp đôi so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán thực phẩm và đồ uống là 6.955 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp công ty thu về cùng năm đạt 4.314 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ năm 2014.
Cũng trong năm 2022, chi phí bán hàng của Golden Gate chiếm hơn 3.110 tỷ đồng, tăng 52% so với năm trước. Sau khi trừ đi các loại chi phí, ông lớn ngành F&B này thu về 719 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 659 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây đều là những con số cao nhất trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại thời điểm 31/12/2022, Golden Gate có tổng tài sản 2.943 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cuối năm 2021. Chủ sở hữu chuỗi lẩu nướng GoGi House, Manwah, Kichi Kichi… đã giảm gần hết vay nợ dài hạn từ 546 tỷ đồng xuống chỉ còn 65 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 1.522 tỷ đồng.
Cũng trong năm ngoái, gần 33% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts và một phần nhỏ vốn góp của 2 nhà đồng sáng lập Golden Gate đã được chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek, SeaTown Private Capital và Periwinkle (Singapore), tổng tỷ lệ sở hữu là 35,67%.
Hồi đầu tháng 2, Golden Gate đã xin ý kiến cổ đông để bổ sung ngành nghề kinh doanh như bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket), bán lẻ thực phẩm qua website và điện thoại.