Nghị định 12/2024 (NĐ12) được Chính phủ ban hành ngày 5.2 hướng dẫn thi hành luật Đất đai, trong đó phương pháp thặng dư là một trong các phương pháp để xác định giá đất, được tính toán bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất (SDĐ) có hiệu quả cao nhất theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên NĐ12 đã không tính đúng, tính đủ các khoản chi phí và lợi nhuận khi thực hiện dự án của doanh nghiệp (DN). Đáng nói, dự thảo nghị định đang lấy ý kiến cũng chưa sửa đổi mà tiếp tục đưa ra quy định tương tự.
Cụ thể, điểm a, khoản 3, điều 7 trong dự thảo quy định: Chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng nhà ở, công trình xây dựng khác; chi phí thiết bị; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí quản lý dự án và một số khoản mục chi phí khác theo quy định tại suất vốn đầu tư đối với trường hợp sử dụng suất vốn đầu tư. Trường hợp thửa đất, khu đất cần định giá thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền SDĐ dưới hình thức phân lô, bán nền thì không tính chi phí xây dựng nhà ở trong chi phí đầu tư xây dựng.
Theo nhiều DN, quy định này còn thiếu khi không đề cập đến chi phí thực hiện các công trình tạm, công trình cần thiết để đảm bảo cho việc thi công xây dựng các dự án và là chi phí thực tế của chủ đầu tư. Do đó, cần được bổ sung để ghi nhận vào tổng chi phí phát triển của lô đất. Đặc biệt, dự thảo cũng không đề cập đến tiền SDĐ, trong khi đấy chính là loại chi phí đầu tư ban đầu mà nhà đầu tư phải bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Luật sư (LS) Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích các dự án bất động sản (BĐS) thì tiền SDĐ là một khoản tiền rất lớn. Không hiểu vì sao dự thảo lại không đề cập đến. Do đó, cần đưa "tiền SDĐ" vào xác định tổng chi phí, bên cạnh chi phí phát triển và chi phí kinh doanh.
Tương tự, đối với chi phí lãi vay, điểm d, khoản 3, điều 7 trong dự thảo quy định: "Chi phí lãi vay được tính bằng tỷ lệ vay trên chi phí đầu tư xây dựng quy định tại điểm a khoản này và doanh thu ước tính thu được tương ứng với tiến độ xây dựng hằng năm theo lãi suất cho vay trung hạn tương ứng với thời gian xây dựng bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước". Theo LS Trần Xoa, việc chỉ tính chi phí lãi vay theo một tỷ lệ cố định mà không theo chi phí thực tế của từng dự án hay của DN là điều phi lý. Bởi có thể cùng thực hiện 2 dự án như nhau nhưng 2 DN khác quy mô, sử dụng vốn vay ít hay nhiều khác nhau thì chi phí lãi vay khác nhau. Vì vậy, nếu chỉ được tính chi phí lãi vay theo một tỷ lệ chung là không công bằng.
"Quy định kiểu này như đưa một đôi giày cùng kích cỡ cho tất cả mọi người sử dụng, không phù hợp thực tế. Mà tính chi phí không đúng, không đủ thì từ đó kết quả xác định giá đất không chính xác, gây lại thiệt hại cho DN và nhà đầu tư (NĐT). Bởi dự thảo quy định, lợi nhuận của NĐT được tính theo tỷ lệ phần trăm trên chi phí đầu tư xây dựng theo quy định. Giả sử khi tổng chi phí NĐT bỏ ra thực hiện dự án lên 5.000 tỉ đồng nhưng với các quy định mà dự thảo đưa ra thì có thể chi phí NĐT chỉ được tính là 4.500 tỉ đồng. Từ đó tỷ lệ lợi nhuận ước tính của dự án sẽ thấp hơn nhiều; có khi dẫn đến khả năng NĐT bị thua lỗ và khi đó sẽ không thể thu hút, khuyến khích DN tham gia phát triển dự án", ông Xoa nhấn mạnh.
Tính thiếu chi phí sẽ gây áp lực lên giá bất động sản
Trong công văn góp ý cho dự thảo nghị định, Hội Thẩm định giá VN chỉ rõ, quy định chỉ tính chi phí phát triển đất mà không tính chi phí ban đầu NĐT phải bỏ ra để có đất thực hiện dự án, đó chính là tiền SDĐ và lãi suất vay vốn, là điều không hợp lý. Thứ hai, quy định chỉ tính lợi nhuận trên chi phí phát triển đất mà không tính trên tổng chi phí mà NĐT đã chi ra (bao gồm tiền SDĐ + chi phí phát triển đất + chi phí kinh doanh) là tính thiếu, không tuân thủ nguyên lý hình thành giá. Điểm c, khoản 3, điều 8 dự thảo quy định: "Lợi nhuận của NĐT (đã bao gồm chi phí vốn sở hữu và chi phí vốn vay) được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên chi phí đầu tư xây dựng quy định tại điểm a khoản này" là chưa hợp lý do chưa tính đúng, tính đủ lợi nhuận của toàn bộ dự án theo phương pháp thặng dư cho NĐT. Thay vào đó là lợi nhuận của NĐT phải được tính trên tổng chi phí của NĐT phải bỏ ra để thực hiện hoàn thành dự án đến khi bán sản phẩm thu được doanh thu.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nhấn mạnh: Tổng chi phí phải bao gồm toàn bộ chi phí, đặc biệt là phải bao gồm cả tiền SDĐ và chi phí phát triển, kinh doanh. Hơn nữa, nếu chỉ tính lợi nhuận trên chi phí của một khâu đầu tư trong tổng chi phí để hình thành giá trị tài sản là không đúng với nguyên lý hình thành giá khi áp dụng định giá theo phương pháp chi phí được kết hợp trong phương pháp thặng dư để định giá tài sản. Vì vậy cần phải sửa đổi dự thảo theo hướng tính đúng, tính đủ trên tổng chi phí và từ đó lợi nhuận phải được tính trên tổng chi phí này. Từ những bất cập đó, Hội Thẩm định giá VN kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng tính tổng chi phí gồm chi phí tiền SDĐ cộng chi phí phát triển và chi phí kinh doanh. Từ đó sẽ tính lợi nhuận NĐT bằng tỷ lệ phần trăm nhân tổng chi phí.
Đồng tình, LS Trần Xoa cũng khẳng định, giá nhà được cấu thành bởi các chi phí đầu vào phát triển dự án; việc chưa tính đúng, tính đủ các khoản chi phí hợp lý cho DN sẽ khiến các khoản chi này vô hình trung tạo áp lực lên người mua nhà, vì sẽ được tính vào giá cuối cùng người mua phải chịu.
Theo một số DN BĐS, dự thảo hiện chưa ghi nhận một số khoản chi phí đầu tư của NĐT vào tổng chi phí phát triển của khu đất. Do đó, kiến nghị bổ sung quy định gồm chi phí dự phòng theo pháp luật về xây dựng và chi phí lãi vay; và chi phí lấn biển đối với dự án đầu tư có hạng mục lấn biển được xác định theo quy định về việc lấn biển. Bởi quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng có xác định tổng mức đầu tư dự án bao gồm chi phí dự phòng và lãi vay trong thời gian xây dựng. Đối với chi phí lấn biển thì đây là một khoản chi phí rất lớn đối với NĐT thực hiện dự án có hạng mục lấn biển nên cần được xác định vào chi phí lấn biển. Theo dự thảo nghị định về hoạt động lấn biển thì chi phí lấn biển cũng được tính vào tổng chi phí phát triển của dự án và được xác định theo quy định. Việc bổ sung quy định như trên để đảm bảo tính kế thừa, ổn định và đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời đây cũng là các chi phí thực tế mà chủ đầu tư phải gánh chịu.
Dự thảo quy định về ước tính tổng chi phí phát triển của thửa đất, khu đất mà không đề cập đến công trình tạm, công trình phục vụ thi công. Vì vậy nhiều kiến nghị cần bổ sinh vào quy định này, vì đây là các công trình cần thiết để đảm bảo cho việc thi công dự án và là chi phí thực tế của chủ đầu tư.