Quản lý sổ đỏ bằng mã QR

21:47 - 31/08/2024

Mẫu sổ đỏ mới bổ sung mã QR và mã giấy chứng nhận do Bộ TN-MT công bố được đánh giá sẽ hạn chế tối đa tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giúp quản lý hiệu quả, dễ dàng hơn.

Người dân có thể chủ động kiểm chứng thông tin

Một trong những điểm nổi bật của mẫu sổ đỏ mới lần này là bổ sung mã QR và mã giấy chứng nhận lên sổ đỏ. Điều này nhằm mục tiêu ứng dụng công nghệ để người dân có thể chủ động truy cập cơ sở dữ liệu đất đai kiểm tra thông tin về đất đai, tài sản gắn liền với đất. Sổ đỏ lần này cũng chỉ còn 2 trang thay vì 4 trang như hiện tại. Đây được xem là một điểm mới trong công tác cấp sổ đỏ cho người dân, doanh nghiệp.

Quản lý sổ đỏ bằng mã QR

Sổ đỏ mới sẽ có nhiều điểm mới, cải tiến để bảo mật hơn

Ảnh: Đình Sơn

Lãnh đạo một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM cho hay sổ đỏ mới chỉ thể hiện các thông tin cơ bản về người sử dụng đất, thửa đất và tài sản gắn liền với đất. Việc bổ sung mã QR và mã giấy chứng nhận để giúp người dân có thể chủ động kiểm tra thông tin về thửa đất, căn nhà của mình. Đồng thời giúp người sử dụng hoặc người có liên quan có thể kiểm chứng thông tin và quá trình biến động khi họ thực hiện các quyền của mình. Mẫu sổ đỏ mới cũng sẽ được thiết kế tăng cường các yếu tố bảo mật, bảo an, bổ sung các yếu tố chống giả "đóng" lẫn chống giả "mở" (trước đây chỉ có cơ quan cấp sổ đỏ mới có thẩm quyền xác thực, còn nay người dân bình thường cũng có thể kiểm tra được sổ đỏ giả hay thật).

Điều này cũng giúp tránh tình trạng làm giả sổ đỏ. Đồng thời việc bỏ quy định về trang bổ sung của sổ đỏ nhằm đảm bảo sự trang trọng và tính toàn vẹn, tránh trường hợp người đã được cấp sổ đỏ làm mất trang bổ sung và phải thực hiện thủ tục cấp lại toàn bộ sổ đỏ. Việc thu gọn mẫu sổ đỏ về khổ giấy A4 nhằm mục đích phù hợp với các loại máy in, máy quét thông dụng, phổ biến hiện nay của các cơ quan cấp sổ đỏ. Kích thước sổ đỏ mới cũng giúp người dân khi bảo quản hoặc tham gia giao dịch được thuận tiện, giảm thiểu nguy cơ hư hỏng, rách nát. Tuy nhiên điều này có một khuyết điểm là nơi in sơ đồ thửa đất quá nhỏ, đối với các thửa đất lớn khó thể hiện đầy đủ thông tin.

Không chỉ vậy, sổ đỏ có 2 trang thay vì 4 trang như trước nên việc mua bán, hay khi người dân đi cầm cố thế chấp ngân hàng thì những thông tin cập nhật lên sổ đỏ sẽ không được nhiều và như vậy người dân sẽ phải đổi sổ đỏ liên tục.

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng ưu điểm lớn nhất của quản lý bằng mã QR là người dùng có thể thu thập được nhiều thông tin với chỉ 1 lần quét đơn giản. Đặc biệt những thông tin tích hợp trong mã QR đều được mã hóa hoàn toàn, qua đó tạo ra hệ thống quản lý an toàn hơn. Khi mã QR được tích hợp đến cấp độ 3 thì sẽ tự phát hiện ra lỗi. Từ đó sẽ giúp người tra cứu thông tin có thể phát hiện những lỗi nhỏ nhất. Khi sử dụng mã QR sẽ không thể tải về những mã độc. Vì thế, trong trường hợp người dùng quét nhầm mã QR giả sẽ chuyển đến những đường link giả, nên có thể nhanh chóng phát hiện lỗi của giấy tờ, phát hiện đó là sổ đỏ giả.

Như vậy, bên cạnh mang lại tiện lợi về việc dễ dàng kiểm tra thông tin, giảm thời gian tra cứu, thì sử dụng mã QR còn đảm bảo sự an toàn khi thông tin được mã hóa vào chiếc tem QR code. Đây chính là khác biệt lớn nhất giữa mã QR với mã vạch truyền thống.

"Hiện nay, trong thời đại 4.0, gần như tất cả các ngành nghề, sản phẩm đều có thể dùng mã QR để tra cứu thông tin. Nên việc Bộ TN-MT đưa mã QR vào sổ đỏ để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý đất đai là phù hợp với xu thế chung về hội nhập quốc tế. Nó không chỉ giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc tra cứu, mà còn đảm bảo tính minh bạch của thông tin", luật sư Trần Minh Cường cho hay.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng băn khoăn hiện nay cơ sở dữ liệu lớn (big data) về đất đai của Bộ TN-MT chưa thể liên thông được với tất cả các tỉnh, thành cũng như các bộ ngành khác nên khi thực hiện mã hóa thông tin đất đai của cá nhân, tổ chức vào mã QR, thì phải xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai một cách chi tiết cho từng vị trí, khu vực, địa phương vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Khi 2 hệ thống này được tích hợp với nhau sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối về thông tin cũng như tính minh bạch, để người dân có thể tránh được những chiêu trò lừa đảo. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc làm những mẫu giấy tờ giả là không khó. Nên có một công cụ để đảm bảo tính an toàn, minh bạch về thông tin và việc sử dụng mã QR được xem là giải pháp tích cực.

Sổ đỏ giả sẽ không còn đất sống

Theo lý giải của Bộ TN-MT, việc thay mã vạch truyền thống bằng mã QR sẽ giúp tra cứu thông tin một cách dễ dàng hơn, đồng thời sẽ tạo thông tin phản hồi để chống hàng giả. Bởi mã vạch truyền thống chỉ chứa được tối đa 20 ký tự, thể hiện bằng một dãy các vạch được xếp liền kề nhau. Còn mã QR có khả năng chứa tối đa 7.089 ký tự số và 4.296 ký tự chữ số, cho phép lưu trữ lượng thông tin lớn hơn nhiều lần. Ngoài ra, nếu xét về tính thẩm mỹ thì mã QR cũng có lợi thế hơn.

Như đã đề cập ở trên, sổ đỏ mới chỉ thể hiện các thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất và tài sản gắn liền với đất. Vì thế, theo một lãnh đạo Bộ

TN-MT, về các thông tin trên sổ đỏ và các thông tin khác có liên quan, người dân có thể tra cứu phản hồi thông qua mã QR, qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ TN-MT, Cổng dịch vụ công của các địa phương hoặc đề nghị cung cấp thông tin tại cơ quan có thẩm quyền. Trong thực tế, có tình trạng làm giả sổ đỏ, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, cũng như gây bất ổn tình hình an ninh, trật tự. Vì vậy, mẫu sổ đỏ mới cũng sẽ được thiết kế tăng cường các yếu tố bảo mật, từ đó bảo vệ người dân.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về đất đai đang được Bộ TN-MT cùng các địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện, vận hành, kết nối, liên thông. Các thông tin trên mẫu sổ đỏ là thông tin cơ bản để người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Các thông tin khác về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất, tài sản gắn liền với đất được lưu trữ, khai thác thông qua mã QR và trong cơ sở dữ liệu về đất đai, chỉ được cung cấp khi có yêu cầu.

Ngoài ra, màu sắc của sổ đỏ được thiết kế tương đồng với màu sắc của sổ đỏ trước đây để bảo đảm tính liên tục, kế thừa và tiềm thức trực quan của người dân. Như vậy, mẫu sổ đỏ mới này vừa đảm bảo dung lượng thông tin để nhận biết, đồng thời tạo công cụ để người dân, người tham gia giao dịch có thể kiểm tra thông tin chi tiết về tình trạng pháp lý, chủ sở hữu tài sản cũng như thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất.

Việc Bộ TN-MT đưa mã QR vào sổ đỏ để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý đất đai là phù hợp với xu thế chung về hội nhập quốc tế. Nó không chỉ giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc tra cứu, mà còn đảm bảo tính minh bạch của thông tin.

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM)

Các sổ đỏ cũ vẫn có giá trị

Theo quy định tại luật Đất đai 2024 thì các loại sổ đỏ đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 1.1.2025 vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc phải cấp đổi sang mẫu sổ đỏ mới. Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản có nhu cầu thì được cấp đổi sang sổ đỏ mới theo quy định của luật Đất đai 2024.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...