Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
“Việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể làm rối loạn nhịp sinh học của chúng ta, dẫn đến những thay đổi trong sự tiết insulin và chuyển hóa glucose,” Andrew Phillips, Phó Giáo sư y học và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Flinders ở Bedford Park, Australia giải thích.
Theo ông, những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến khả năng của cơ thể trong việc điều chỉnh mức đường huyết, từ đó thúc đẩy sự phát triển của bệnh tiểu đường type 2.
Nghiên cứu đã được thực hiện trong suốt 8 năm liên tiếp với 85.000 người tham gia. Mỗi người đeo một thiết bị đeo tay được trang bị cảm biến để ghi nhận mức độ tiếp xúc với ánh sáng 24 giờ trong suốt một tuần. Điều này cung cấp cho các nhà nghiên cứu 13 triệu giờ dữ liệu từ cảm biến ánh sáng.
Tắt đèn khi ngủ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 (Ảnh: iStock)
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ thuận giữa việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm và bệnh tiểu đường type 2. Những người ở nhóm 10% tiếp xúc ánh sáng ban đêm nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đến 67% so với những người có mức tiếp xúc ánh sáng ban đêm thấp nhất.
Các tác giả của nghiên cứu kết luận rằng “ánh sáng vào ban đêm là một yếu tố dự đoán mạnh mẽ bệnh tiểu đường type 2 đối với cả nam và nữ”. Việc hạn chế ánh sáng vào ban đêm có vẻ như giảm nguy cơ mắc bệnh ngay cả đối với những người có yếu tố di truyền.
Sự gia tăng tỷ lệ bệnh tiểu đường type 2 tiếp tục báo hiệu một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Đến năm 2050, có thể có tới 1,3 tỷ người trên toàn thế giới sống với bệnh tiểu đường, tăng từ 529 triệu người vào năm 2021, biến căn bệnh này thành “một căn bệnh thế kỷ 21”.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...