 |
Kem chống nắng dùng tại bãi biển phải có kết cấu, chỉ số SPF khác so với kem chống nắng khi trekking - Ảnh: Singleparentsonholiday
|
Chọn kem chống nắng phù hợp với từng điểm đến để bảo vệ da tối ưu
Kem chống nắng không phải “đồ dùng một size cho tất cả”. Tùy vào điểm đến và hoạt động, bạn cần lựa chọn loại kem có kết cấu, chỉ số SPF phù hợp để bảo vệ làn da hiệu quả, tránh tình trạng da bị mụn hay cháy nắng do kem không đáp ứng đủ yêu cầu.
Theo bác sĩ da liễu Evelyn Tay – nhà sáng lập phòng khám Lumine Dermatology & Laser Clinic (Singapore), việc chọn kem chống nắng nên dựa trên mức độ tiếp xúc với ánh nắng trong chuyến đi, cũng như đặc điểm hoạt động và độ cao của nơi bạn đến.
 |
Hiểu đúng, hiểu đủ các chỉ số, kết cấu sẽ giúp bạn chọn được loại kem chống nắng phù hợp với điểm đến - Ảnh: Raksa
|
Hiểu đúng các chỉ số trên kem chống nắng
Trước khi sử dụng, bạn cần đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm. Chỉ số SPF thể hiện khả năng chống tia UVB – nguyên nhân gây cháy nắng và tổn thương bề mặt da. Ví dụ, SPF 50 nghĩa là chỉ 1/50 lượng tia UVB có thể xuyên qua da so với khi không dùng kem. Chỉ số PA (PA+, PA++, PA+++) thể hiện khả năng chống tia UVA – thủ phạm khiến da lão hóa, sạm nám. Một số loại kem còn giúp hạn chế tác động của ánh sáng khả kiến (ánh sáng từ mặt trời, đèn điện, màn hình điện tử), dù chỉ số này không được thể hiện rõ ràng.
Ngoài ra, kem chống nắng trên thị trường có sự khác biệt theo khu vực: Ở châu Âu, sản phẩm phải chống tia UVA ít nhất 1/3 so với UVB; tại Mỹ, kem chống nắng được xếp vào nhóm thuốc không kê đơn; còn ở châu Á, kem thường được phân loại là mỹ phẩm và sử dụng hệ thống PA.
Bác sĩ Tay lưu ý: “Nhãn mác chỉ phản ánh một phần, quan trọng hơn là cảm giác khi sử dụng”. Kem chống nắng châu Á thường mỏng nhẹ, dễ chịu nhưng dễ trôi, còn sản phẩm châu Âu, Mỹ thường đặc và bám lâu hơn, phù hợp với người vận động ngoài trời. Dù chọn loại nào, bạn cũng cần thoa đủ liều lượng khoảng 2mg/cm² da để đạt hiệu quả bảo vệ như ghi trên bao bì.
 |
Nếu chọn vị trí ngồi ngay cửa sổ máy bay, bạn cần kem chống nắng phổ rộng.
|
Gợi ý chọn kem chống nắng theo từng điểm đến - Bắt đầu hành trình: Chống nắng từ…trên mây
Ngay cả khi ngồi trong máy bay, đặc biệt là vị trí gần cửa sổ, bạn cũng cần kem chống nắng phổ rộng (broad-spectrum) với SPF 30–50, PA+++ trở lên. Ở độ cao lớn, tia UVA, UVB và ánh sáng khả kiến tăng cao, dễ làm da khô, sạm và lão hóa. Nên chọn kem kết cấu nhẹ như gel, sữa hoặc lotion, không gây bí da. Nếu bay trên 3 tiếng, hãy thoa lại một lớp mỏng để duy trì hiệu quả.
Những ngày biển gọi: Vui chơi không quên bảo vệ da
Bãi biển là nơi tia UV phản chiếu mạnh từ mặt nước và cát, có thể lên tới 10–30%. Bạn nên chọn kem chống nắng chống nước, SPF 50+, PA++++, dạng kem dày, bám tốt để bảo vệ da khi bơi lội hay nằm dưới nắng. Ngoài ra, có thể dùng thêm miếng dán chống tia UV hoặc viên uống hỗ trợ. Đừng quên đội mũ rộng vành, đeo kính râm để bảo vệ vùng da quanh mắt.
 |
Với các điểm tham quan ngoài trời, bạn cần kem chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ.
|
Dạo chơi ngoài trời: Nhẹ nhàng mà vẫn an toàn
Với những chuyến tham quan thành phố, đi bộ, nên dùng kem kết cấu mỏng nhẹ, dễ tán, không bết dính, SPF 30–50, PA+++. Thoa trước khi ra ngoài 15–20 phút và thoa lại sau 3–4 tiếng nếu đổ mồ hôi nhiều. Người có da nhạy cảm nên chọn sản phẩm không cồn, không gây bít tắc lỗ chân lông.
 |
Khi leo núi hay đi bộ đường dài, bạn nên chọn kem chống nắng có hiệu quả ít nhất 4 tiếng.
|
Trekking, leo núi
Ở vùng cao, không khí loãng và ánh nắng gay gắt khiến da dễ tổn thương sâu. Bạn cần kem chống nắng chống nước, bền vững ít nhất 4 tiếng, SPF 50+, PA++++, dạng cream đặc hoặc stick tiện dụng. Thoa lại mỗi 2 tiếng, chú ý vùng gáy, tai, cổ tay, mu bàn tay. Kết hợp mặc quần áo chống nắng UPF, khẩu trang vải, mũ rộng vành và kính râm để tăng hiệu quả bảo vệ.
 |
Dù có tuyết thì bạn cũng cần kem chống nắng để bảo vệ da
|
Đừng chủ quan khi trời lạnh hay có tuyết
Nhiều người lầm tưởng trời lạnh hay có tuyết thì không cần kem chống nắng, nhưng thực tế ngược lại. Tuyết có thể phản chiếu tới 80% tia UV, còn gió lạnh khiến da mất nước và nhạy cảm hơn. Trong điều kiện này, kem chống nắng chống nước, bền lâu (ít nhất 4 tiếng), SPF từ 50 trở lên, dạng thỏi (stick) là lựa chọn tối ưu, giúp bám lâu trên da và dễ thoa các vùng nhỏ như sống mũi, gò má, cằm, sau tai.
Ngoài ra, hãy thoa lại kem sau mỗi lần nghỉ giữa giờ trượt tuyết. Mặt nạ trượt tuyết và kính có chỉ số UPF cao cũng rất cần thiết. Viên uống hỗ trợ chống nắng có thể dùng như biện pháp bổ sung, nhưng không thay thế kem bôi trực tiếp.
An Huỳnh (theo H.W)