Cất giữ dấu ấn hoài niệm
|
Magnus Malm sở hữu bộ sưu tập đồ sộ các loại rương và vali cổ điển - Nguồn ảnh: FT
|
Riêng mặt hàng rương đựng hành lý cổ điển, chất liệu gỗ hoặc da thuộc cao cấp, đã thường xuyên góp mặt trong danh mục của những đơn vị đấu giá phụ kiện xa xỉ. Tháng Sáu năm nay, nhà đấu giá lâu đời Christie's (Anh) tổ chức một sự kiện quy mô lớn thu về hơn 2,4 triệu euro (65 tỉ đồng) với sản phẩm đắt nhất bán ra là một chiếc rương độc đáo chuyên dùng để treo quần áo, sản xuất năm 1925, được định giá 189.000 euro (5 tỉ đồng).
Giáng sinh năm ngoái, một phiên bản vali cổ điển cực hiếm, điểm xuyết họa tiết kim cương tinh xảo của hãng Louis Vuitton khiến dư luận xôn xao không kém. Chiếc vali đã về tay một chuyên gia sưu tầm với giá mua lại lên đến gần 45.000 USD (1,1 tỉ đồng).
Bộ sưu tập các thiết kế vali cổ điển xuất hiện tại phiên đấu giá mới đây của Christie's thuộc về Magnus Malm - doanh nhân bất động sản gốc Thụy Điển với niềm đam mê bất tận dành cho những chiếc vali, túi xách ông nâng niu như báu vật.
“Tôi bắt đầu say mê túi xách cổ điển cách nay hơn 15 năm. Thế nhưng, tôi không đơn thuần xem sở thích này là thú chơi giảm stress. Tôi trân trọng chúng vì những câu chuyện xưa ẩn chứa bên trong chúng. Rương du lịch, túi hành lý cá nhân… - mỗi mẫu túi từng chu du theo chân bao người chủ cũ đến vô số phương trời chứa đựng những tư trang mang ý nghĩa đặc biệt với họ” - Malm chia sẻ.
Malm ưa thích hơn cả mẫu rương chế tác thủ công từ kim loại kẽm hoặc đồng, “càng lúc càng khó tìm - quý hiếm bởi giá trị lịch sử lẫn các chi tiết thiết kế có độ tinh xảo cao”. Vị doanh nhân tiết lộ, để hoàn thiện bộ sưu tập cá nhân, ông đang ráo riết săn lùng một mẫu rương cổ bằng nhôm thuộc thương hiệu Louis Vuitton - chỉ còn lại 10 chiếc trên thế giới. “Thời ấy, giá của chúng còn đắt hơn vàng” - Malm nói.
|
Vali kiêm túi xách tay đựng mũ của hãng Louis Vuitton. Mẫu thiết kế thanh lịch với chất liệu da cao cấp, họa tiết monogram cổ điển từng rất thịnh hành trong thập niên 1950 - Nguồn ảnh: Palmer & Penn
|
Cô Rachel Koffsky - đứng đầu ngành hàng phụ kiện cao cấp tại Christie’s - thấu hiểu lòng nhiệt huyết của nhiều nhà sưu tầm. “Túi xách khi đượm màu năm tháng đã vượt quá định nghĩa đơn thuần về một vật dụng chứa đồ hay xa xỉ phẩm thời thượng. Không ít người mê phụ kiện cổ điển xem chúng là các tác phẩm nghệ thuật”.
Khơi dậy trào lưu mua đi bán lại
Louis Vuitton hiện vẫn vững vàng dẫn đầu trong thị trường túi xách cổ điển, theo Koffsky, “đơn giản vì chính Vuitton đã phát minh ra rương hành lý. Loạt chi tiết thời ấy nay đã trở thành quy chuẩn đối với túi xách cao cấp hiện đại, như bề mặt trơn mịn, chất vải chống thấm nước, khóa an toàn… Tất cả đều là thành tựu sáng tạo của nhà thiết kế người Pháp”.
Xếp sau về doanh thu toàn cầu là hãng Goyard và Hermès, đều có xuất xứ từ Pháp. “LV, Goyard và Hermès được ngầm thừa nhận như 3 ông lớn khó thay thế ở địa hạt này” - Churchill Barton - một nhà phục chế và bán lẻ túi xách cổ điển đang kinh doanh tại bang Maine (đông bắc Mỹ) - nhận xét.
Xoay quanh kinh nghiệm “săn” túi xách, Barton góp ý: “Việc thẩm định giá nhiều mẫu túi, vali cổ điển hãy còn mang tính tự phát, chủ quan của bên bán hoặc sưu tầm. Thế nên, nếu may mắn, ta có thể bắt gặp một chiếc vali Goyard được bảo quản tốt nhưng rẻ hơn hẳn giá tại chợ đồ cổ. Ngược lại, có lúc bạn phải bỏ ra con số gấp 3 lần cho cùng sản phẩm ấy, khi đến các nhà đấu giá lớn”.
Yếu tố giá cả khó kiểm soát tạo ra một nghịch lý, cũng là ưu thế hấp dẫn người tiêu dùng: túi xách đã qua tay thường có giá thành mềm hơn trên hầu hết các kênh bán lẻ phổ thông. Ngoài những khu chợ, cửa hàng thời trang cao cấp, túi hàng hiệu cổ điển bền đẹp đang hút khách tại một số sàn thương mại điện tử. Vinted - trụ sở tại Litva (Bắc Âu), trang web phụ kiện thời trang chuyên mua đi bán lại - tăng trưởng rõ rệt trong 2 năm trở lại đây nhờ sự tái xuất của các dòng túi xách cổ điển thương hiệu Louis Vuitton, Gucci và Chanel.
|
Túi Chanel được trưng bày ở một cửa hàng phụ kiện cổ điển tại Tokyo (Nhật Bản). Giá thành hợp lý của chúng thu hút nhiều khách hàng nhưng một số mẫu túi quý hiếm đôi khi có giá lên đến hàng triệu yên - Nguồn ảnh: Forbes
|
Bjorn Holzhauer - một chuyên gia thu mua làm việc cho Vinted - chia sẻ: “Đông đảo khách hàng nữ muốn sở hữu những mẫu túi nổi tiếng ra mắt trước năm 2000. Giữa lúc trào lưu hoài cổ lần nữa khuấy động thị trường thời trang, ngoài đường phố lẫn sàn diễn lớn, bạn có thể chứng kiến hình ảnh túi yên ngựa của Dior, túi bánh mì của Fendi hay dòng túi Nylon Prada đình đám một thời không ngừng xuất hiện trở lại. Chúng tôi còn nhập về một số mẫu bán chạy với tuổi đời lâu hơn nữa, từ thập niên 1980 đến 1950”.
Cơn sốt đồ cổ tại châu Á
Ở khu vực châu Á, năm 2023, doanh thu của thị trường phụ kiện xa xỉ đã qua sử dụng gần chạm ngưỡng 4 tỉ USD. Trước năm 2028, tổng giá trị thị trường này được dự đoán sẽ lên đến 5,8 tỉ USD. Quốc gia nổi danh về văn hóa mua sắm túi xách cổ điển phải kể đến là Nhật Bản, nơi người dân có thói quen tiêu dùng các loại phụ kiện cao cấp dưới hình thức mua đi bán lại.
“Chúng tôi từng thu vào một chiếc túi da đeo vai dòng Jumbo Classic - một trong những biểu tượng của Chanel, màu hồng đính kim cương giả. Nó được làm thủ công 100% để phục vụ 1 show diễn thời trang, vì vậy chỉ có duy nhất 1 chiếc. Chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ mẫu túi nào độc đáo như vậy” - một nhân viên kỳ cựu của Amore Vintage - chuỗi cửa hàng phụ kiện cổ điển uy tín tại Tokyo - cho biết.
Shinoko Itakura - Giám đốc điều hành AMORE Vintage - tiết lộ công ty sẵn có hàng ngàn mẫu túi xách cổ điển tại hệ thống kho hàng, thu mua từ giới sưu tầm trong nước lẫn khách hàng bán lẻ. Họ lôi cuốn không chỉ người tiêu dùng nội địa mà còn cả khách du lịch và nhiều nhà sưu tầm nước ngoài.
“Chúng tôi nhận thấy số lượng khách hàng trẻ và người nước ngoài bắt đầu tăng lên khoảng 1 thập niên gần đây, khi những cửa hàng như chúng tôi tiến hành quảng bá tích cực trên mạng xã hội, cũng như mở trang web bán hàng trực tuyến.
|
Thiết kế túi “bánh mì” baguette nổi tiếng của Fendi vào những năm 1990 đang bán chạy trở lại trên nhiều trang thương mại điện tử - Nguồn ảnh: ELLE
|
Người trẻ không chỉ lựa chọn túi xách cổ điển vì ưu điểm giá cả mà đây cũng là cách họ hưởng ứng tư duy tiêu dùng xanh - ưa chuộng các sản phẩm rẻ, bền, đã qua sử dụng hơn là thời trang nhanh.
Sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu các bộ sưu tập túi, phụ kiện liên quan theo nhiều chủ đề. Khi đặt cạnh nhau, mỗi chiếc túi có thể góp phần kể lại câu chuyện về lịch sử thời trang và văn hóa” - Itakura nói.