Các phiên bản giả của nước hoa Dior, son dưỡng môi Vaseline và mascara Maybelline nằm trong số các sản phẩm được các nhà cung cấp bên thứ ba chào hàng thông qua thị trường trong ứng dụng của TikTok.
Các loại kem dưỡng trắng da có chứa các thành phần bị cấm và các loại kem trị mụn mạnh chỉ được cung cấp theo toa cũng xuất hiện tràn lan và được quảng cáo công khai.
Các sản phẩm đang được bán thông qua TikTok Shop, một tính năng mua sắm trong ứng dụng cho phép người dùng mua các sản phẩm mà họ thấy được quảng cáo bởi những người có ảnh hưởng (influencer) và thương hiệu. Ngoài ra còn có một tab “cửa hàng” nơi người dùng có thể duyệt qua các sản phẩm, từ mỹ phẩm và quần áo đến cuộn giấy vệ sinh và đồ uống thể thao.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2021, tính năng này đã giúp biến TikTok thành điểm đến của bán lẻ trực tuyến lớn trên thế giới, vượt mặt Instagram và Facebook. TikTok thông qua đó sẽ nhận được 5% hoa hồng bán hàng. TikTok có các quy tắc nghiêm ngặt về những gì có thể được bán qua TikTok Shop, bao gồm cấm “quảng cáo và bán” tất cả các sản phẩm giả. Công ty cũng cấm bán các loại thuốc bán theo kê đơn của bác sĩ, chẳng hạn như kem trị mụn và các loại kem làm trắng da có chứa các thành phần bị cấm. “Bằng cách đảm bảo sự an toàn và tính xác thực của các sản phẩm được bán trên nền tảng của chúng tôi, chúng tôi tạo ra trải nghiệm mua sắm tích cực mà người dùng có thể tin tưởng”, chính sách cho biết thêm.
Tuy nhiên phân tích cho thấy, các quy tắc không được thực thi hiệu quả, với các sản phẩm làm đẹp bất hợp pháp thường xuyên được quảng bá cho người dùng thông qua nguồn cấp dữ liệu nội dung và kết quả tìm kiếm của họ.
Tuần trước, 9 trong số 12 kết quả đầu tiên được hiển thị cho những người tìm kiếm “nước hoa” trong phần TikTok Shop của ứng dụng đều là hàng giả. Các sản phẩm bao gồm các biến thể của nước hoa Sauvage của Dior, với những cái tên như “Suave” và “Savage”, và một bản sao của nước hoa Viktor và Rolf’s Flowerbomb, thoạt nhìn giống nhau nhưng thực sự được gọi là “Mark và Victor”. Trong một số trường hợp, các mặt hàng vẫn tồn tại trên thị trường ngay cả khi chúng được dán nhãn rõ ràng là “đồ giả” (đồ replica).
Sự phổ biến của hàng giả đã dẫn đến cảnh báo từ một số khách hàng TikTok Shop. Một phụ nữ sống ở Anh đã mua một combo làm đẹp trị giá 25 bảng Anh cho biết cô rất điên tiết khi sau đó được gửi một loại sơn bóng rõ ràng là giả. Một khách hàng khác của TikTok Shop cho biết cô đã được gửi một loại nước hoa kém chất lượng “có mùi như sơn móng tay theo đúng nghĩa đen” sau khi đặt hàng từ một cửa hàng mà cô cho là có uy tín trên TikTok. Cô đã nhắn tin cho người bán để yêu cầu hoàn lại tiền nhưng không được chấp nhận.
Nhiều sản phẩm bất hợp pháp được bán qua TikTok Shop được sản xuất tại Trung Quốc và vận chuyển đến toàn thế giới. Các cuộc kiểm tra mỹ phẩm giả bị thu giữ bởi Đơn vị Tội phạm Sở hữu Trí tuệ của Cảnh sát trước đây đã phát hiện ra rằng nhiều loại có chứa các hóa chất độc hại như asen, thủy ngân và chì.
Việc bán hàng giả trên phương tiện truyền thông xã hội đã gia tăng trong những năm gần đây, với sự tiếp tay của người nổi tiếng.
Vào năm 2021, một báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy vai trò của những influencer là chìa khóa ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng mua các sản phẩm giả. Trong số 1.000 phụ nữ từ 16 đến 60 tuổi được khảo sát, 13% cho biết họ đã được cổ vũ mua các món hàng giả trên phương tiện truyền thông xã hội mỗi ngày.
Tiến sĩ Jane Ravenscroft, thuộc Hiệp hội các bác sĩ da liễu Anh, cho biết việc bán bất hợp pháp các loại kem dưỡng da là một “mối nguy hại lớn” và là “nguy cơ sức khỏe cộng đồng”. “Thật không may, những người bán các sản phẩm bất hợp pháp này đang săn lùng sự ngây thơ của mọi người và mạng xã hội thì đổ thêm dầu vào lửa”, cô nói.
TikTok cho biết họ coi việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bán bất hợp pháp các sản phẩm y tế là nghiêm trọng và những người vi phạm các quy tắc có thể bị cấm khỏi nền tảng này. Họ cho biết đã xóa hàng trăm sản phẩm và người bán khỏi TikTok Shop từ đầu năm đến nay, bao gồm khoảng 50 danh sách bị gắn cờ. Vào năm 2022, TikTok đã ra mắt Trung tâm bảo vệ sở hữu trí tuệ, một công cụ sẽ giúp các thương hiệu xác định danh sách sản phẩm vi phạm IP của họ.
Nguyễn Minh Chi