Về vấn đề chợ truyền thống đang bị cạnh tranh bởi các sàn thương mại điện tử, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị cần tính toán hướng giải quyết để duy trì ATTP ở chợ truyền thống; khuyến khích, hướng dẫn tiểu thương buôn bán trên các sàn thương mại điện tử. Bà Thúy cũng lưu ý thêm về nguy cơ mất ATTP tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước cổng trường học… Cần tính toán kỹ càng về cách quản lý ATTP ở khu vực này chứ không nên dừng lại ở việc tuyên truyền.
Báo cáo trước đó, lãnh đạo Sở ATTP TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về ATTP. Trong đó, 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm, 2 vụ đang chờ kết luận. Lãnh đạo Sở ATTP nhận định địa bàn TP.HCM rộng lớn, dân cư đông, có sự phức tạp trong nguồn cung cấp thực phẩm nên thời gian qua diễn biến ngộ độc khá phức tạp. Tuy nhiên, kết luận ngộ độc với tỷ lệ không nhiều. Để ngăn ngừa và chủ động xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở ATTP TP.HCM là cơ quan đầu mối xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong điều tra, xử lý ngộ độc và đang lấy ý kiến sở, ngành để trình UBND TP.HCM ban hành quy chế theo hình thức là văn bản quy phạm pháp luật. Khi có quy chế sẽ xác định rõ nội dung công việc của từng đơn vị sẽ thực hiện nếu có xảy ra ngộ độc. Cùng với đó là trách nhiệm, sự phối hợp giữa các đơn vị… TP.HCM đang xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP và từng bước hoàn thiện các tiêu chí đánh giá nhằm tiến tới xây dựng chợ "đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm".
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cũng nêu khó khăn, trong đó có khó khăn về lực lượng nhân sự phụ trách công tác ATTP ngày càng ít do cắt giảm biên chế. Chánh thanh tra Sở ATTP TP.HCM là chức danh mới, chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực ATTP; khó khăn lớn nhất là việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo thực phẩm chức năng…