Cái thuở ở quê, quần đùi, đầu trần, chân đất, đứa trẻ nào cũng thuộc lòng món mít trộn. Lớn lên bươn chải làm ăn xứ người, có lúc nghe lòng thao thức một nỗi gì thì hình ảnh đĩa mít trộn trở về như một món ăn xa rồi tìm lại. Tất nhiên chỉ là dư vị nhưng là hương gây mùi nhớ. Càng nhớ càng mong ngóng ngày về để được ăn món hồn quê. Chả trách vừa thả ba lô xuống, sau mấy câu hỏi han của mẹ về công chuyện làm ăn, đứa con vào đề ngay: Thưa mẹ, việc làm thì ổn; việc ăn thì con muốn ăn mít trộn.
Mít là giống cây được trồng phổ biến ở vùng nông thôn miền Trung. Mít vườn bạt ngàn đã đành. Mít trong sân, cạnh giếng nước, cây rơm cũng xanh cành tốt trái. Nhớ hồi nhỏ đòi ăn mít trộn, mẹ biểu muốn ăn phải... lăn lên cây. Hai chị em ra sau vườn cứ đè dái mít mà hái. Mẹ cười rồi giải thích, thứ này vô dụng vì được tạo ra từ nhị đực, vị chát đắng không ăn được, bám cây ít lâu là rụng thôi. Từ đó mới biết mít non từ nhụy cái thụ phấn, trái nhỏ nhưng sởn sơ, gai thưa đều, làm món trộn mới ngon. Ngoài món trộn, mít non còn dùng để kho cá, nấu canh. Còn nữa, mít non "đi" với bún mắm thì trơn cổ lắm.
Bây giờ dù khắp xóm làm món mít trộn với tôm, thịt ba chỉ, tai heo…, mẹ vẫn "chung thủy" với bản gốc: mít non luộc, xắt ra, trộn cùng hỗn hợp nước mắm chanh đường ớt tỏi và một ít đậu phộng, rau mùi. Mẹ nói con tôm, miếng thịt nó át mùi mít non đi, uổng lắm. Bữa cơm nhà tôi, món gì thì món nhưng món mít trộn chân phương vẫn thủ vai chính, những đôi đũa ba bề bốn phía đều tìm tới. Có khi ngán cơm, cứ mít trộn lấy bánh tráng giòn mà xúc đủ làm nên một bữa ngon.
Tôi ghiền món mít trộn từ khi còn nhỏ. Có thể nói bao nhiêu tuổi thơ của thằng nhỏ háu ăn này gửi hết vào mít trộn. Món quê không tách rời những kỷ niệm quê. Cây mít già cành lá sum suê là cả một thế giới đầy thơ mộng…