Món ngon miền Tây: Xưa dì Năm nay dì Sáu bán bánh canh ngọt… hiếm có khó tìm

14:24 - 18/03/2023

Ẩm thực miền Tây Nam bộ rất phong phú. Riêng món bánh canh cũng chia làm vài loại. Món phổ biến nhất là bánh canh giò heo với sợi bánh canh tròn và dài.

Được yêu thích nhưng thuộc dạng hiếm có khó tìm là món bánh canh mặn nước cốt dừa, sợi bánh canh dẹp nấu với cá lóc hoặc tép. Từ món bánh canh mặn nước cốt dừa này, người ta biến tấu thành món bánh canh ngọt nước cốt dừa. Bánh canh ngọt xuất hiện ở miền Tây chứ không thấy ở vùng miền khác. Món ít phổ biến dù rất hấp dẫn với người hảo ngọt.

Món ngon miền Tây: Xưa dì Năm nay dì Sáu bán bánh canh ngọt… hiếm có khó tìm

Bánh canh ngọt miền Tây

Do không “nổi tiếng” mấy nên không phải người miền Tây nào cũng nghe thấy hoặc nếm thử món ăn này. Có lẽ những ai sống vùng thôn quê quanh các tỉnh An Giang, Hậu Giang… thuộc thế hệ 7X về trước mới được ăn bánh canh ngọt thường xuyên. Nhưng giờ đây, ngay chính tại những vùng đất mà món ăn này được bán hằng ngày trước kia cũng không còn… dễ tìm. Vì vậy, với nhiều người, bánh canh ngọt chỉ còn là những mảnh vụn trong lớp trầm tích ký ức, chợt nhớ chợt quên.

Món ngon miền Tây: Xưa dì Năm nay dì Sáu bán bánh canh ngọt… hiếm có khó tìm

Ở TP.HCM không dễ tìm người bán bánh canh ngọt kiểu miền Tây

Tôi còn nhớ, vào những năm 1980, đứa trẻ nào quê tôi cũng nghèo như nhau. Hồi ấy, tỉnh lẻ không có hàng quán sang trọng. Quán ăn sáng phần đông là quán cóc vỉa hè, những gánh hàng rong của các bà các cô. Họ gánh trên vai những thứ họ bán và đi bộ từ nhà, bán dài dài dọc theo những con đường họ đi qua. Cứ tầm 10 giờ sáng, có một phụ nữ mà chúng tôi gọi là dì Năm dừng gánh bánh canh ngay trước cửa nhà tôi. Dì đặt gánh hàng ở sát gốc me (xóm tôi có hàng me cổ trồng từ thời Pháp), lấy ghế nhỏ đặt xuống ngồi chờ khách. Dì Năm vừa nghỉ mệt sau một đoạn đường dài, vừa chờ bán cho những người trong xóm. Gánh bánh canh dì Năm có 2 nồi. Một nồi bánh canh mặn và nồi bánh canh ngọt, đều nấu với nước cốt dừa.

Bánh canh mặn của dì là sợi bánh dẹp nấu với tép và nước cốt dừa đặc sánh. Bên cạnh là một thau đựng thịt cá lóc đã luộc chín và được gỡ ra từng miếng nhỏ. Ai muốn ăn thêm cá lóc thì dì bỏ vô và tính thêm một ít tiền. Còn nồi bánh canh ngọt đặc quánh màu vàng đậm của đường thốt nốt, sền sệt nước cốt dừa và tỏa ra mùi thơm hòa quyện của gừng và mè. Tôi là thực khách thường xuyên của dì. Thường tôi chọn món bánh canh ngọt vì 10 giờ sáng cũng gần tới giờ ăn trưa. Tôi thường ăn chậm để thưởng thức vị ngọt và béo cùng mùi thơm dễ chịu của gừng và mè. Có hôm chị tôi đi học buổi sáng về trễ, nấu cơm chưa chín mà gần đến giờ tôi đi học buổi chiều, tôi xin ba cho tiền mua một tô bánh canh mặn ăn liền, còn bánh canh ngọt bỏ bịch đem vô lớp, đợi giờ ra chơi ăn tiếp.

Tôi đã hay ăn như thế nhiều năm. Vào khoảng cuối năm cấp 2, dì Năm bánh canh không còn xuất hiện. Tôi cũng không thắc mắc vì sao. Quê tôi là thị xã nhỏ, quán ăn hay tập trung trong chợ, nhưng nhiều khi tôi đi khắp chợ không thấy ai bán món tương tự dì Năm. Những người phụ nữ bán gánh cũng vậy. Thế là tôi đã lãng quên món ăn một thời quen thuộc.

Món ngon miền Tây: Xưa dì Năm nay dì Sáu bán bánh canh ngọt… hiếm có khó tìm

Dì Sáu bán bánh canh ngọt ở Sài Gòn

Mãi đến hơn 20 năm sau, có lần tôi ghé chợ Thị Nghè tại TP.HCM, tôi gặp một người phụ nữ ngồi bên một gánh thức ăn. Tôi đến và gặp lại món bánh canh ngọt ngày xưa. Trong tôi lúc ấy dâng lên một cảm xúc khó tả, gợi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ. Tôi đã mua 2 bịch bánh canh ngọt về ăn thử. Người bán hàng tên là dì Sáu, sinh ra ở Sài Gòn nhưng quê miền Tây, học nghề làm bánh canh ngọt và bánh da lợn từ má của dì. Sợi bánh canh dì nấu từ gạo và hoàn toàn se bằng tay giống y hệt ngày xưa. Gánh bánh canh của dì Sáu cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Dì không trộn nước cốt dừa vô chung mà để riêng nhưng sự thơm ngon vẫn như…. ngày xưa. Rất nhiều người đến mua. Ai thích nước cốt dừa thì dì chan vô, còn không thì dì để bịch cốt dừa riêng và dặn nếu thích thì dùng. Đó là sự thấu hiểu tâm lý khách hàng thời hiện đại. Không phải ai cũng thích vị ngọt của đường và vị béo của cốt dừa kiểu miền Nam. Giờ đây nhiều người cũng giảm bớt chất béo vì sợ tăng cân.

Một thời gian sau, tôi trở lại thì dì Sáu không còn bán ở đó nữa. Người bảo vệ nói dì chuyển về chợ Tân Định bán luôn rồi. Tôi chạy qua đó và gặp dì ở góc chợ gần bãi đậu xe. Vẫn gánh hàng cũ và vẫn đông khách hàng, bởi vì, có lẽ ở Sài Gòn dì Sáu là người duy nhất hoặc là một trong số ít người còn bán món ngon này. Dì bán vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật từ 10 giờ sáng cho đến hết hàng. Tôi mua 2 bịch mang về nhà. Má tôi ăn thử và khen ngon. Bà nói rằng hình như đã 50 năm rồi mới thấy lại món ăn thời má còn thiếu nữ, thời mà hầu như món này được bán mỗi ngày ở miền quê mộc mạc và bình yên.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...