Ngày đầu tuần, chợ Bến Thành (Q.1) đông đảo du khách và người dân, các quầy hàng nhộn nhịp người mua người bán. Sạp bún của bà Nguyễn Thị Hà (60 tuổi, ngụ TP.HCM) nằm ở sạp 1028 trong chợ thì vẫn đều đặn khách. Quầy ăn với đủ các nguyên liệu được sắp xếp ngay ngắn, nhiều màu sắc bắt mắt khiến tôi không kiềm lòng được mà phải ghé lại.
Thực đơn ở đây đa dạng món, từ bún thịt nướng, bún tôm càng nướng, gỏi cuốn, bún chạo tôm, bánh tầm bì, bún bò xào, bì cuốn đến bánh hỏi thịt nướng, chả giò, nem nướng, bánh mì thịt nướng… Nhìn cái nào cũng ngon, cũng hấp dẫn, không biết nên chọn món nào.
Được biết một trong những món nổi tiếng ở đây, cũng là món có giá “chát” nhất chính là bún tôm càng nướng. Tôi quyết định chọn món ăn này để thưởng thức, trong lòng thì tự hỏi liệu có gì trong tô bún này mà người ta sẵn sàng bỏ ra 120.000 đồng để ăn.
Trong một thoáng, 2 người phụ quán, cũng là 2 cụ bà lớn tuổi đã hoàn thành món. Bà Hà thì niềm nở mang ra cho tôi. Theo lời giới thiệu của bà chủ, điều đặc biệt trong tô bún tôm càng này chính là phần tôm tươi sống và phần nước chấm được chế biến theo công thức riêng.
Chưa ăn sáng, bụng cũng đang đói cồn cào, tôi nhanh chóng thưởng thức phần bún này. Đúng như giới thiệu, tôm tươi, chất lượng ăn cùng với bún, các loại rau sống, đồ chua và nước mắm được nêm vừa miệng đúng là hết sẩy. Với tôi, chỉ xét về mặt hương vị, món ăn này xứng đáng 8/10, đáng để thử qua.
Anh Hảo (27 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng đang thưởng thức phần bún thịt nướng, bạn gái anh thì ăn bún tôm càng. Vị khách cho biết mình vào TP.HCM có công việc, sẵn qua chợ Bến Thành tham quan, ăn uống.
“Mấy lần trước mình cũng vào Sài Gòn chơi, cũng ghé đây ăn vì quầy hấp dẫn. Tôi thấy bún thịt nướng hay bún tôm càng đều ngon, nhưng bạn tôi thì thích ăn bún tôm càng hơn, thịt tôm tươi, ngon, ngọt. Trong chợ Bến Thành nên với tôi giá này là hợp lý”, vị khách nhận xét và cho biết sẽ ghé đây ăn nếu có dịp.
“Hồi xưa tôi làm ôsin, nay được bà chủ giao lại quán!”
Nhiều khách sẽ không khỏi bất ngờ khi biết được rằng bà chủ hiện tại của quán ngày xưa từng là phụ việc suốt 40 năm cho chủ cũ – cụ Nguyễn Thị Viên (còn gọi là bà Tám, năm nay 81 tuổi). Đó là lý do mà quán ăn này có tên thân thương là quán “Bà Tám”.
Quán bán từ sáng đến chiều.
Theo lời kể của bà Hà, quán bún này có thâm niên 50 năm, từ thời “bà ngoại”, tức mẹ của cụ Viên. Thời đó, cụ bà bán dạo ở trung tâm Sài Gòn. Sau này, mới chuyển vào chợ Bến Thành để bán. Ngay từ nhỏ, cụ Viên đã cùng một người chị phụ mẹ bán.
Suốt 40 năm phụ việc cho bà chủ, theo cách nói bình dị của bà Hà là làm “ôsin”, giờ đây được bà Tám giao lại quán, bà vô cùng hạnh phúc. Bà Hà nói bà phụ bán ở đây từ hồi 20 tuổi, chưa có chồng con. Giờ bà cũng có gia đình, cũng đã có tuổi.
Ngần ấy năm gắn bó với quán ăn, đi qua bao thăng trầm, bà đã xem nơi này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, cũng đã xem bà Tám như người thân máu mủ của mình. Những công thức, cách làm món, bà đều được bà Tám truyền lại. Mỗi tháng, bà thường hay ghé quán để thăm nom cho đỡ nhớ chốn xưa.
Bà chủ cho biết hiện tại, bên cạnh những người thân của bà Tám cùng phụ bán, con gái của bà năm nay cũng ngoài 30 cũng gắn bó với quán ăn này. Niềm vui mỗi ngày của bà chủ là mang những phần ăn tâm huyết tới thực khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam.