Không đâu xa lạ, đó là quán cà ri gà Sinh Ký của ông Trần Quốc Uy (54 tuổi) và vợ, bà Nguyễn Thị Thúy (46 tuổi) mà cư dân ở khu Chợ Lớn ít ai không biết.
10 tuổi đã phụ bán, nay nối nghiệp cha mẹ
Chiều, TP.HCM mưa lắc rắc, trời mát mẻ. Thời tiết này không còn gì “sướng” bằng được ăn một tô cà ri nóng hổi và thế là tôi phóng xe từ Q.8 qua quán quen nằm trên đường Triệu Quang Phục (Q.5). Lúc này, ông Uy và vợ vừa mới dọn hàng ra, mùi cà ri thơm phức xộc vào mũi khiến bụng tôi cồn cào.
Quán nhỏ, chỉ có vài chiếc bàn và ghế. Thường lệ, tôi ngồi vào bàn và gọi một phần cà ri gà (lấy đùi) quen thuộc kèm theo một chén huyết là “best seller” của quán. Lúc này, khách chưa quá đông, tôi thong dong thưởng thức món ăn khoái khẩu rồi phóng tầm mắt ra con đường hối hả người, xe.
Món ăn ở đây ngon là một chuyện, nhưng chuyện đằng sau nó cũng khiến không ít thực khách lâu năm tò mò và truyền tai nhau từ năm này qua năm khác. Ông Uy xác nhận người đầu tiên mở quán ăn này chính là cha ông – ông Trần Tiêu Sanh.
Ông Sanh là người Quảng Đông, tới Sài Gòn từ rất lâu trước năm 1975 và làm việc cho một tờ báo Hoa ngữ ở Sài Gòn, cũng trên con đường bán quán ăn này.
Có đến 7 người con, với đồng lương ký giả của ông Sanh và công việc làm thợ may của vợ không đủ để trang trải nên 2 vợ chồng ông nghĩ thêm kế sinh nhai nuôi sống gia đình. Khi đó, ông quyết định mở quán Sinh Ký bán món cà ri gà, dẫu rằng đây cũng không phải là một món ăn truyền thống của người Hoa.
Lúc đầu, quán nhờ người quen ủng hộ, sau vì hương vị thơm ngon mà nổi tiếng khu vực này khách kéo tới nườm nượp. “Cha tôi kể sở dĩ ông chọn cà ri Ấn Độ vì thời đó cà ri còn là món lạ ở Sài Gòn này. Quán bán được phần vì nấu ngon, phần cũng do quán đặt ở vị trí gần nhiều trường học và đông người qua lại”, người con trai út nhận xét.
Trước năm 1975, quán của ông Sanh bán cà ri vịt. Sau này chuyển thành cà ri gà và nhận được sự yêu thích của thực khách.
Hồi đầu mở quán, bột cà ri còn rất hiếm nên ông Sanh phải dùng bột nghệ. Dần dần việc mua bột cà ri Ấn Độ trở dễ dàng hơn do món ăn trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người dân ở đây.
Nhớ lại thời đó, ông kể 10 tuổi ông đã cùng các anh chị em trong nhà phụ cha mẹ bán cà ri gà. Quán cà ri của gia đình ông khi đó thực tế chỉ là một xe cà ri bán vỉa hè nhưng đông khách tới mua. Mười mấy năm trở lại đây gia đình ông mới bắt đầu thuê mặt bằng, rồi bán ổn định chốn này.
Bà chủ quán đặc biệt
Cứ như vậy, quán cà ri này đã nuôi sống cả gia đình ông Uy suốt gần nửa thế kỷ qua. 9 năm trước, ông Sanh mất ở tuổi ngoài 90. 2 năm trước, vợ ông cũng mất ở tuổi 90 vì Covid-19. Sự ra đi của đấng sinh thành là nỗi mất mát không gì bù đắp được với các anh chị em của ông Uy.
Sau ngày mẹ mất, các anh chị em của ông tản ra, mỗi người làm một việc khác nhau thay vì quây quần buôn bán như ngày xưa. Ông cùng với người chị thứ 4 trong gia đình, bà Trần Tú Thanh (57 tuổi) tiếp tục kế thừa quán ăn tâm huyết cả đời cha mẹ.
Trong quán, còn có một bà chủ hết sức đặc biệt, là vợ ông Uy. Là vị khách đầy thương mến của quán, nên bà mới kể cho tôi nghe về câu chuyện cuộc đời mình, khi 25 năm trước bà từ quê Tiền Giang lên TP.HCM làm “ở đợ”, theo cách nói đầy mộc mạc của bà chủ.
[CLIP]: Vợ chồng chủ quán cà ri gà Sinh Ký niềm nở làm món cho khách.
Cũng từ đây, bà và ông Uy có cơ duyên gặp gỡ nhau, cảm mến nhau rồi chính thức về chung một nhà năm 2003. 20 năm nên vợ nên chồng, bà sinh cho ông được 3 người con, 2 trai, 1 gái.
Từ hồi về làm dâu, bà cũng phụ gia đình chồng bán cà ri và quyết tâm học cho bằng được công thức nấu của cha mẹ. Chính bởi sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, bà được gia đình chồng thương yêu và 2 năm nay, bà đã trở thành bà chủ của quán ăn lâu đời này, cùng chồng và chị dâu kế thừa, phát triển tâm huyết của cha mẹ.
“Nói giàu thì không giàu vì mình chỉ bán đủ ăn và sống cũng biết đủ. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi cùng người thân bán món này, bán 20 năm giờ quen rồi, nghỉ không biết làm gì. Điều đặc biệt ở đây là quán nấu bằng bếp than, nồi sẽ rất dơ nhưng ngày nào tôi cũng chùi cho sáng bóng như mới và đã làm vậy từ đó tới giờ”, bà chủ cười hóm hỉnh, tâm sự.
Kế bên, ông Uy cũng tiếp lời, nói rằng vợ chồng ông vô cùng biết ơn quán ăn này vì đã nuôi cha mẹ ông, anh chị em ông và giờ là các con của ông khôn lớn, nên người. Ông tự hào khi có con đang học đại học.
“Riêng con thứ 2 mới học lớp 9 thì nghỉ. Tôi cũng hy vọng là con có đủ duyên thì sẽ kế thừa quán ăn của gia đình mình. Mình không ép con, quan trọng là sự lựa chọn của nó. Bình thường tụi nhỏ rảnh rỗi cũng ra phụ cha mẹ và cô”, người cha nói về thế hệ kế thừa tiếp theo trong gia đình.
Sức hút nhờ món huyết “số dzách”
Con trai út của ông Sanh cho biết thuở ban đầu, quán chỉ bán món bún cà ri chứ không hề có bánh mì. Đến khi thực khách hỏi ăn thêm bánh mì phải chạy đi mua nhiều lần, nên sau đó quán đã quyết định bán thêm bánh mì ăn kèm. Vậy là có món cà ri gà và bánh mì cà ri gà.
Cũng theo ông Uy, trước 1975 quán bán mỗi tô 3 – 4 đồng, nay mỗi phần ăn ở đây giá dao động từ 70.000 đồng – 80.000 đồng tùy nhu cầu của khách muốn ăn bún cà ri hay bánh mì cà ri.
“Công thức nấu của cha ngày xưa tôi vẫn gìn giữ đến giờ không thay đổi và qua bao năm tháng khách vẫn rất thích ăn. Khách thích nhất ở quán chính là phần huyết ăn cùng với cà ri, có người tới chỉ mua 5 – 6 phần huyết về ăn”, ông chủ tự hào.
Nói thiệt là quán cà ri này hợp với khẩu vị của cá nhân tôi khi gà ta dai dai được tẩm ướp thấm gia vị. Mùi cà ri ở đây không quá nồng, chỉ vừa thoang thoảng nên không gây khó chịu. Nước cà ri được ông chủ nấu theo công thức riêng thực sự rất đậm đà, hậu ngọt hợp với người miền Nam như tôi. Dù không hảo huyết, nhưng huyết ở đây dai, mềm cũng đáng để thử qua. Với cá nhân tôi, chấm 9/10.
Bà Vân (51 tuổi, ngụ Q.5) chiều nay cùng chồng và chó cưng đi làm về tiện ghé mua một phần cà ri ở quán ông vợ chồng ông Uy. Bà cho biết mình là khách quen của quán, vì quen quá nên cũng không nhớ đã ăn ở đây từ bao giờ, chỉ biết là bà mê hương vị cà ri gà ở đây và thường ghé mua.
“Huyết ở đây cực ngon luôn đó, không có chỗ nào chê. Tất nhiên ăn uống là tùy vào khẩu vị mỗi người nhưng chỗ này hợp vị tôi nhất. Quán này nổi tiếng lắm, ở đây không ai không biết”, bà nói rồi chào tạm biệt chủ quán.
Cứ như vậy, mỗi ngày từ 17 – 23 giờ gia đình ông Uy vẫn miệt mài bên bếp than hồng với những phần cà ri mang tâm huyết của những thế hệ gia đình ông đến với nhiều thực khách tại khu Chợ Lớn…