Đối với lĩnh vực thuốc TP.HCM có thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh. Phạm vi phân cấp là giấy phép nhập khẩu thuốc có giá trị trong 1 năm, có số lượng cụ thể. TP.HCM đang gấp rút quy trình để thực hiện, không để thiếu thuốc.
Thiếu 2/4 nhóm thuốc đặc biệt
Theo phân cấp này, TP.HCM được cấp phép nhập khẩu đối với các thuốc chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam, chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị và thuộc một trong 4 trường hợp. Cụ thể là thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc, chống thải ghép; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ; thuốc được sử dụng cho người bệnh cụ thể đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét và các bệnh hiểm nghèo khác. Trong 4 nhóm này, hầu hết các bệnh viện thiếu thuốc nhóm 1 và nhóm 2.
Khi TP.HCM có thẩm quyền quyết định thủ tục này, các bệnh viện sẽ có nhiều thuận lợi. Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM sẽ hỗ trợ sớm các thông tin cần thiết liên quan đến thuốc mà bệnh viện đang cần, xác định thông tin về nguồn cần cung ứng (nếu thuốc đang có ở một đơn vị khác thì sẽ kịp thời điều phối, nếu không sẵn có thì hướng dẫn bệnh viện phối hợp cùng công ty dược thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc).
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn các bệnh viện sớm tiếp xúc các công ty dược có chức năng nhập khẩu loại thuốc mà bệnh viện đang cần. Khẩn trương phối hợp với các công ty vào hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công TP.HCM để được cấp phép nhập khẩu thuốc theo quy định (trong vòng 15 ngày).
Hiện Sở Y tế TP.HCM đang khẩn trương xây dựng quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc, rút ngắn thời gian nhập thuốc và đáp ứng nhu cầu điều trị.
Mặt khác, để phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả phân cấp quản lý Nhà nước và trong khi chờ Bộ Y tế thành lập các Trung tâm dự trữ thuốc Quốc gia, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị.
Phải nhận diện ra vấn đề thiếu thuốc để có giải pháp
Trước đó, ngày 8.8, tại cuộc làm việc với các bệnh viện ở TP.HCM về vấn đề khám chữa bệnh, thiếu thuốc, vật tư và thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế, Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế không chỉ bây giờ mới có mà diễn ra từ lúc còn bao cấp. Nhưng vấn đề là thiếu thời điểm nào và thiếu loại nào. Không phải 1 năm 12 tháng với 365 ngày đều thiếu mà chỉ thiếu cục bộ ở thời điểm nhất định, thiếu một số loại nhất định. Cũng không phải tất cả cơ sở y tế đều thiếu. Phải nhận diện vấn đề để có giải pháp.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sau dịch Covid-19, Bộ Y tế đã nhận diện ra một số thể chế bất cập. Bộ Y tế và các Bộ liên quan đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 thí điểm một số vấn đề và giải quyết khó khăn. Đến 31.12.2023 Nghị quyết 30 hết hiệu lực thì có một loạt các thể chế mới như luật Đấu thầu, luật Giá, nghị định và thông tư hướng dẫn. Riêng về đấu thầu Bộ Y tế đã ban hành 4 thông tư. Thể chế đã đầy đủ, còn lại tổ chức thực hiện.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tập trung đấu thầu cấp quốc gia, cấp tỉnh. Còn những danh mục thuốc khác thì cơ sở phải chủ động như thuê các tổ chức làm thầu, đảm bảo không thiếu thuốc. Nhân lực làm thầu của bệnh viện đảm bảo tập huấn kiến thức, đào tạo và công tác vị trí này bền vững ít nhất 5 năm.
Khi đưa ra hồ sơ mời thầu phải nghiên cứu; khi chấm thầu, thẩm định thầu phải làm sao đánh giá thực lực cung cấp của nhà thầu. Và khi ký hợp đồng phải có cam kết xử phạt, nếu không phải đưa ra tòa, không thể có chuyện cung cấp cũng được, không cung cấp cũng được.
Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo thuốc, vật tư y tế tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên. Kiện toàn dược sĩ lâm sàng, kiện toàn trong điều trị, có thuốc (kể cả vật tư) thay thế, bác sĩ điều trị phải linh hoạt về thuốc.
Ngay từ quý 4/2024, bệnh viện phải xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc và vật tư cho năm 2025, có dự báo về mô hình bệnh tật và kế hoạch mua sắm. Phải nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến đấu thầu và đấu thầu công khai minh bạch.
Cấp phép quảng cáo tạo thuận lợi cho bệnh viện tư nhân trên địa bàn
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Sở Y tế TP.HCM sẵn sàng triển khai phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh viện tư nhân trên địa bàn.
Việc phân cấp này thật sự đã giải tỏa những khó khăn của các bệnh viện tư nhân khi có nhu cầu quảng cáo. Phân cấp không phát sinh thêm thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nhưng tạo thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, công sức trong việc thực hiện hồ sơ.
Đối với Sở Y tế TP.HCM, việc phân cấp này tuy khối lượng công việc có tăng nhưng không phát sinh thêm quy trình mới, cán bộ công chức của Sở đã sẵn sàng cho hoạt động này.
Theo kế hoạch, ngay sau khi UBND TP,HCM ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 84 (dự kiến trung tuần tháng 8.2024), Sở Y tế sẽ triển khai ngay việc xác nhận nội dung quảng cáo.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thực hiện hồ sơ cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dược - mỹ phẩm, y tế dự phòng thuộc thẩm quyền quản lý của Sở và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn.