Trong đó, để hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu tại TP.HCM, từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ngoài việc quy hoạch theo các cụm y tế, thành lập mới các bệnh viện (BV) thì các BV cần được tiếp tục đầu tư về nguồn lực để phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu.
Các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP.HCM có thể xây dựng thêm các cơ sở 2, 3 tại các cụm y tế. Các cơ sở này ngoài chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu nhằm tối ưu hóa tài nguyên và phát triển hệ thống y tế của TP.HCM theo mô hình cụm y tế chuyên sâu. Các BV đa khoa, chuyên khoa hiện hữu thực hiện các dự án đầu tư công trình hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y tế để phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu. Nhóm dự án này chủ đầu tư là các BV đa khoa, chuyên khoa. Thời gian triển khai từ năm 2024.
Cùng với đó, ngành y tế lập Dự án đầu tư xây dựng lò Cyclotron sản xuất nguồn đồng vị phóng xạ dùng trong y tế và Dự án đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị Proton đặt tại BV Ung bướu và do BV này chủ trì, triển khai từ năm 2024.
Theo Sở Y tế, Dự án thành lập Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao với chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm bằng công nghệ cao.
Một trung tâm dự kiến đặt tại cơ sở 1 của BV Ung bướu (diện tích xây dựng 9.605 m2); một trung tâm dự kiến đặt tại cụm y tế Tân Kiên và một trung tâm tại TP.Thủ Đức.
3 dự án này sẽ do Sở Y tế chủ trì. Tổng vốn đầu tư là 4.800 tỉ đồng. Thời gian triển khai từ năm 2024.
Theo Sở Y tế, một số BV quận, huyện tại TP.HCM có cơ sở hạ tầng khang trang nhưng thiếu trang thiết bị y tế, nhân lực để triển khai một số kỹ thuật nhằm thu hút người bệnh. 26 BV, cơ sở y tế trong nhóm dự án này cần đầu tư để phát triển là 6.317 tỉ đồng, triển khai từ năm 2024 - 2025.
Ngoài ra, TP.HCM cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch cho hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng các BV mới. Đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa đang quá tải tại các BV công lập như chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh... với quy mô 300 - 500 giường/BV. Nhóm dự án này sẽ do các BV tư nhân, các tổ chức hoạt động theo luật Doanh nghiệp chủ trì. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư là 20.961 tỉ đồng.
Từ năm 2024, TP.HCM cũng sẽ lập 4 trung tâm chăm sóc người cao tuổi với tổng vốn cần đầu tư là 2.050 tỉ đồng.
TP.HCM cũng kêu gọi đầu tư cho Đề án "Phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đồng thời kiến nghị T.Ư các cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao để hình thành và phát triển KCN chuyên ngành y - dược tại KCN Lê Minh Xuân 2 (H.Bình Chánh).
Lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, TP.HCM cần huy động các nhà đầu tư nước ngoài để thành lập BV có thương hiệu trên thế giới. Kế hoạch này còn có thể thu hút khách nước ngoài đến khám bệnh và hạn chế việc người dân ra nước ngoài chữa trị. Lĩnh vực này sẽ do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư chủ trì, các sở, ngành liên quan phối hợp. Triển khai từ năm 2024, TP.HCM cũng mời gọi các trường ĐH y khoa có uy tín trên thế giới thành lập thêm cơ sở trên địa bàn hoặc hợp tác với các trường đào tạo khối sức khỏe.